1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

IS lâm vào khủng hoảng tiền mặt

(Dân trí) - Các cuộc không kích và giá dầu giảm đã khiến cuộc sống tại Raqqa, thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Điều này đã tác động không nhỏ tới các tay súng thuộc nhóm khủng bố này khi không còn được trả lương đầy đủ và cung cấp nhiều lương thực như trước.

Các tay súng IS tại tỉnh Raqqa.(Ảnh: Telegraph)
Các tay súng IS tại tỉnh Raqqa.(Ảnh: Telegraph)

Đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng tại thành trì Raqqa, IS đã phải cắt giảm tiền lương của các tay súng, đồng thời yêu cầu người dân địa phương trả các hóa đơn điện nước bằng đô la Mỹ theo giá chợ đen. IS cũng sẽ phóng thích các tù nhân với “giá” 500 USD/người.

IS đã từng khoe khoang về việc sử dụng đồng tiền riêng song các cuộc không kích của liên quân quốc tế đã khiến nhóm khủng bố này thất thoát hàng triệu USD. Các tay súng IS đã từng được đối đãi hậu hĩnh với mức lương tốt nhưng cho tới nay chúng không nhận được gì dù chỉ là một thanh kẹo socola hay một lon nước tăng lực.

Tại các trung tâm đô thị, tình trạng thiếu nhu yếu phẩm và lạm phát đã khiến nhiều người phải lưu vong. Người dân Raqqa cho biết kể từ tháng 12 năm ngoái, tiền lương của họ đã bị giảm một nửa, việc sử dụng điện bị hạn chế và giá cả tăng quá cao. Giá gas đã tăng 25%, giá đường tăng 50% trong khi giá thịt tăng vọt tới 70%.

Điều này không chỉ khiến cuộc sống của người dân Raqqa lâm vào cảnh khốn khó mà còn khiến IS gặp khó khăn trong việc trang bị thêm vũ khí và trả lương cho các tay súng. Hai khoản này chiếm tới 2/3 “ngân sách” của IS. Theo người dân Raqqa, trong hai tuần qua, IS đã bắt đầu chỉ thu thuế và hóa đơn điện, nước bằng đồng đô la.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do giá dầu thế giới liên tục lao dốc trong thời gian qua. Dầu mỏ là một trong những nguồn thu quan trọng của IS song các cuộc không kích liên tiếp phá hủy các kho chứa dầu, cắt đứt nguồn tiếp tế.

Các cuộc tấn công của quân đội Syria tại tỉnh Aleppo, gồm các thị trấn Manbij, Jarablus và al-Bab cũng đang gây nhiều áp lực cho IS. Quân chính phủ và quân đồng minh đã đạt được nhiều bước tiến khiến các tay súng hoảng loạn và mất phương hướng.

Tại Iraq, chính phủ nước này đã ra quyết định giảm lương của công chức tại các vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát. Giới chức Iraq ước tính số tiền thất thoát vào tay IS mỗi tháng lên tới 10 triệu USD khi nhóm này đánh thuế thu nhập ở mức 20-50%. Việc giảm lương của các quan chức chính phủ sẽ gây khó khăn về tài chính cho IS.

Tại thành phố Fallujah của Iraq, các tay súng IS giờ không được trả lương và chỉ được cung cấp 2 bữa ăn mỗi ngày. Người dân địa phương cho biết họ chỉ có thể rời thành phố nếu trả cho chúng 1.000 USD, số tiền mà đa số họ chưa từng dám mơ tới. Tại Mosul, IS cũng xử phạt những người dân không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về ăn mặc.

Giới chức Mỹ cho biết mặc dù IS đang gặp khó khăn về tài chính cũng như bị thất thế trên chiến trường, song chúng vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria. Các nguồn tin cho biết IS có thể đang tìm cách chuyển hướng sang một “thị trường vốn” khác là Libya, nơi chúng không phải đối phó với các cuộc không kích. Các tay súng tại đây vẫn được cung cấp đầy đủ thức ăn và sử dụng điện miễn phí.

Nhật Minh

Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm