1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IS đến ngày tàn, Syria vẫn chưa bình yên

Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria đã bước vào hồi kết. Thế nhưng, chính vào thời điểm đáng ra phải cảm thấy lạc quan, thì những mối lo ngại về tương lai của Syria lại nổi lên.


Thị trấn HaJin nằm trong quyền kiểm soát của SDF

Thị trấn HaJin nằm trong quyền kiểm soát của SDF

Theo Đại tá Sean Ryan, Người phát ngôn liên quân do Mỹ đứng đầu, Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn đã giành lại thị trấn Hajin, khu vực thành thị lớn nhất do IS kiểm soát tại miền Đông Syria. Cuộc chiến chống IS tại vùng đất cuối cùng do chúng kiểm soát đang diễn ra rất thuận lợi.

Đây là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống IS ở Syria bởi cuối tháng 10 vừa qua, IS đã đánh bật Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ra khỏi thị trấn Hajin và chiếm lại toàn bộ các khu vực ở miền Đông. Các lực lượng của SDF dường như không được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với IS nên chịu thiệt hại nặng nề, khoảng 70 tay súng SDF đã bị sát hại trong cuộc tấn công của IS vào Hajin.

Kể từ khi IS đánh chiếm nhiều khu vực tại Syria và nước láng giềng Iraq hồi năm 2014, rồi thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” tại những vùng đất chiếm giữ, cuộc nội chiến ở Syria vốn đã phức tạp lại càng rắc rối hơn. Đất nước Syria trở thành nơi đối đầu của đủ loại mâu thuẫn, từ xung đột nội bộ, tranh chấp giữa các cường quốc như Nga và Mỹ, tới đụng độ lợi ích giữa các nước trong khu vực, căng thẳng giữa các tôn giáo…

Tuy nhiên trái với cuộc đối đầu giữa Chính phủ Syria với lực lượng đối lập, cuộc chiến chống IS nhận được sự hậu thuẫn của hầu hết các lực lượng chính trị Syria cũng như hai cường quốc hiện đang can dự ở Syria là Nga và Mỹ. Trong khi Nga hậu thuẫn Chính phủ Syria trong cuộc đối đầu với IS ở bờ Tây sông Euphrates, thì SDF với sự trợ giúp của Mỹ mở các cuộc truy quét IS ở bờ Đông sông Euphrates.

Nhưng nay khi IS đã bên bờ sụp đổ, thì sự đan xen các mâu thuẫn lại xuất hiện càng nhiều. Việc SDF giành lại thị trấn Hajin từ tay IS đang khiến nước láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ lo sốt vó. Lâu nay Ankara coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - thành phần cốt lõi của liên minh SDF gồm các nhóm vũ trang người Arab và người Kurd - là một nhóm khủng bố vì có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd đòi li khai ở Thổ Nhĩ Kỳ

Một khi SDF kiểm soát toàn bộ vùng Đông Bắc Syria, sự ra đời của khu vực tự trị người Kurd ở đây là điều không tránh khỏi và nó sẽ kích động các phần tử ly khai người Kurrd bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Dù cùng trong khối NATO với Mỹ, nhưng Ankara luôn khó chịu với sự hậu thuẫn của Mỹ với SDF. Điều đó giải thích tại sao cuối tháng 10 vừa qua, trong khi SDF với sự trợ giúp của Mỹ mở cuộc tấn công vào IS, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn phá các vị trí của những tay súng IS ở dọc biên giới phía Bắc Syria.

Người Nga thì cũng đang tìm cách loại bỏ vai trò của Mỹ ở Syria. Nga cho rằng bờ Đông của Euphrates cần được giải thoát khỏi tác động của Mỹ bởi họ hiện diện ở đó một cách bất hợp pháp. Moscow lo ngại một khi SDF lớn mạnh cùng với nguy cơ li khai của khu vực tự trị người Kurd ở Đông Bắc Syria, quyền lực của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn sẽ bị thách thức nghiêm trọng.

Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã mất phần lớn lãnh thổ chiếm được ở Syria. Tổ chức này đang tan vỡ thành những nhóm nhỏ độc lập gồm những tay súng chủ yếu là quấy rối. Nhưng dù mối đe dọa của IS đã tan, thì tương lai của Syria vẫn chưa sáng sủa.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô