1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iraq: Cái nôi mới của khủng bố

(Dân trí) - Bốn năm trước, với cớ Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có quan hệ với al-Qaeda, liên quân do Mỹ cầm đầu đã tiến vào Iraq. Sự thật sau đó cho thấy, Iraq không hề có vũ khí huỷ diệt cũng như chẳng có quan hệ gì với al-Qaeda.

Cái nôi mới của khủng bố 

         

Bốn năm sau sự thống trị của người Mỹ tại Iraq, những gì mà Mỹ từng lấy làm cớ để xâm lược nước này đã trở thành sự thật hoặc sắp trở thành sự thật. Theo các chuyên gia, Iraq hiện đã vượt Afganistan để trở thành nơi sản sinh ra các phần tử Hồi giáo thánh chiến, góp phần reo rắc chủ nghĩa khủng bố ra khắp Trung Đông và thế giới.

           

Giới chuyên gia đánh giá, thế hệ mới các chiến binh Hồi giáo ở Iraq được tôi luyện nhiều hơn các chiến binh ở Afganistan trước đây và việc xuất khẩu "thánh chiến" Hồi giáo sang các nước Ảrập yên bình hơn đã trở thành một hiện tượng. Sự có mặt của các chiến binh tình nguyện người Ảrập Xêút, Gioócđani và Yêmen tại trại tị nạn Nahr al-Bared bị vây hãm của người Palestine ở miền Bắc Libăng cũng như việc bắt được các phần tử thánh chiến Hồi giáo người Ảrập Xêút đến từ Iraq là minh chứng cho điều này.

           

Marwan Shehadeh, chuyên gia về các phong trào cấp tiến của Viện Nghiên cứu Tầm nhìn ở Amman, cho biết: "Phong trào kháng chiến của Iraq không cần đến những người bản xứ. Phong trào này có nhiều chiến binh hơn mức cần thiết và cần phải đưa các chiến binh người nước ngoài đến chiến đấu ở nơi khác. Họ đang liên lạc với nhau vì ý thức hệ Salafi (Hồi giáo nguyên bản và khắc nghiệt) đang lan rộng khắp các nước Ảrập và các nước Hồi giáo. Họ sẵn sàng hành động, được đào tạo bài bản và sẵn sàng lao vào một cuộc chiến toàn cầu chống lại những kẻ thù của họ, không chỉ là Mỹ và Israel mà cả các chính quyền Arab được phương Tây ủng hộ".

           

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Amman, yêu cầu giấu tên, cho biết: "Những phần tử thánh chiến Hồi giáo đang truyền bá ý thức hệ của họ trên khắp khu vực này. Mọi chuyện đang tiến triển và đó chính là nỗi kinh hoàng của Gioócđani".

           

Một tòa án quân sự Gioócđani hồi năm 2006 đã kết án tử hình ba người Xyri và một người Iraq với tội danh đã tiến hành các vụ tấn công bằng tên lửa vào các tàu chiến Mỹ hồi tháng 8/2005 làm một lính Gioócđani thiệt mạng. Ba người Iraq khác, một người Xyri và một người Gioócđani sinh trưởng tại Ảrập Xêút cũng bị bỏ tù vì tham gia vào cuộc tấn công vào các tàu Mỹ đang bỏ neo tại cảng Aqaba, Biển Đỏ mà tổ chức al-Qaeda đã đứng ra nhận trách nhiệm. Tháng 4/2007, Gioócđani cũng đã kết án tù chung thân một công dân Iraq và một công dân Libi về âm mưu đánh bom sân bay Amman bất thành hồi tháng 6/2006, nhân danh al-Qaeda.

           

Nguy cơ vũ khí hoá học        

           

Trong một báo cáo công bố ngày 5/6/2007, các thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết nguy cơ các lực lượng nổi dậy và khủng bố ở Iraq sở hữu hoặc chế tạo được vũ khí huỷ diệt là rất lớn bởi Iraq hiện có hàng trăm nhà khoa học và kỹ thuật viên từng tham gia chương trình vũ khí hóa học trước đây. Các đối tượng này biết cách mua hóa chất cần thiết ở đâu để chế tạo vũ khí cho chiến tranh hóa học. Bên cạnh đó, những trang thiết bị lưỡng dụng, vừa có thể phục vụ cho hoạt động dân sự, vừa để sản xuất vũ khí hóa học, hiện vẫn còn nguyên vẹn ở Iraq.

           

Bản báo cáo hàng quý của Ủy ban Giám sát, Thẩm định và Thanh sát của LHQ (UNMOVIC) đệ trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) cho biết tính đến thời điểm này, đã xảy ra ít nhất 10 cuộc tấn công với những lượng khí clo khác nhau gây thương vong lớn tại Iraq. Trong khi đó, các lực lượng an ninh đã ngăn chặn được nhiều âm mưu tấn công bằng khí clo và các loại chất độc khác.

           

Báo cáo này nhấn mạnh rằng "một số lượng nhỏ các hóa chất dùng cho chiến tranh sinh học và hóa học" đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và rơi vào tay lực lượng nổi dậy, khủng bố, dân quân và tội phạm. Ngoài nguồn cung cấp khí clo sẵn có đang thịnh hành khắp Iraq, các lực lượng trên có thể còn tìm kiếm thêm các loại chất độc hại khác được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài để sản xuất vũ khí sinh hoá.

           

Ông Mohammed al-Masri, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược ở Amman, nhận định: "Con đường dẫn đến Baghdad vốn là đường một chiều. Nhưng hiện nay, nó đã trở thành quốc lộ hai chiều. Hiện vẫn có nhiều người đến Bátđa để tham chiến, nhưng cũng có những người từ đó ra đi. Iraq đang xuất khẩu các phần tử khủng bố".

           

Giới chuyên gia cho rằng cường độ cuộc chiến, các kho dự trữ vũ khí và chất nổ dồi dào, mức độ tinh vi của các vụ đánh bom bằng xe ôtô của phiến quân đã biến Iraq trở thành một nơi huấn luyện tuyệt vời cho các phần tử khủng bố hàng đầu. Thật sự Iraq đã trở thành một đại học kiêm phòng thí nghiệm khủng bố.

 

Chiến thuật năm ăn năm thua của Mỹ tại Iraq

 

Bế tắc trên chiến trường và thất vọng trước sự tiến bộ chậm chạp của các lực lượng vũ trang Iraq, quân đội Mỹ hiện đang trang bị và trả lương cho người Sunni ở Iraq để họ giúp chống lại các phần tử al-Qaeda. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một chiến thuật đầy may rủi và nếu không khéo sẽ mang lại hậu quả "gậy ông đập lưng ông".

 

Bộ chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ đã cho phép các sĩ quan chỉ huy của họ tại Iraq thương thảo với những người đứng đầu bộ lạc và các nhà lãnh đạo địa phương về việc cung cấp vũ khí cho người Sunni nổi dậy. Từ cuối năm 2006, các thủ lĩnh người Sunni đã đồng ý tập hợp lại để chiến đấu chống lại al-Qaeda. Quân đội Mỹ sau đó đã chuyển giao vũ khí, đạn dược, áo giáp, xe tải, nhiên liệu, các thiết bị khác và tiền mặt cho lực lượng nổi dậy người Sunni để đổi lấy cam kết rằng họ sẽ quay sang chống lại al-Qaeda, chứ không tấn công binh sĩ Mỹ.

 

Theo Thiếu tướng Thủy quân Lục chiến John Allen, Phó Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Tây Iraq, chiến dịch này rõ ràng đã có hiệu quả bởi sau đó al-Qaeda hầu như đã bị đẩy khỏi các khu vực trung tâm của tỉnh Anbar, gồm cả các điểm nóng như Ramadi, Haditha và Fallujah. Những chuyển biến tích cực này đang khích lệ các chỉ huy Mỹ tìm cách áp dụng mô hình này ở tỉnh Diyala, phía Bắc Baghdad, nơi al-Qaeda vẫn hoạt động mạnh.

Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng chiến thuật sử dụng các thành viên bộ tộc Sunni có vũ trang của Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda ở Iraq chỉ mang lại lợi ích trước mắt, bởi nó có thể giúp làm suy yếu cuộc nổi dậy hiện tại nhưng lại đặt ra một nguy cơ tiềm tàng mới đó là tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc nội chiến giữa các phe phái lan rộng trên phạm vi toàn quốc một khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Iraq.

 

Lịch sử đã minh chứng rằng chiến thuật này ẩn chứa nguy cơ rất lớn. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Mỹ đã từng áp dụng chiến thuật này tại Afganistan, khi họ vũ trang cho du kích chống lại quân đội Liên Xô. Và những gì mà họ nhận được sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afganistan thì ai cũng rõ.

 

Nguy cơ mà liên minh mang tính vụ lợi này gây ra sẽ rõ ràng hơn nếu các thủ lĩnh người Shiite, Sunni và người Cuốc ở Iraq không đạt được sự hòa giải chính trị thực sự. Đây là yếu tố then chốt để chấm dứt cuộc xung đột. Thay vào đó, có những dấu hiệu cho thấy tình trạng phân cực ngày càng sâu sắc, bất chấp một vài tiến bộ trong nỗ lực đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ nguồn thu từ dầu mỏ và đưa các nhân vật trung thành với Saddam Hussein trở lại chính quyền.

 

Thắng lợi của chiến lược này có lẽ phụ thuộc vào việc liệu cộng đồng người Shiite, Sunni và người Cuốc có đạt được các thoả thuận hay không. Tuy nhiên, triển vọng đạt được các thỏa thuận lâu dài vẫn rất bấp bênh. Phe Sunni dòng chính đã từ chối tham dự các cuộc họp nội các để phản đối việc bắt giam một đồng nghiệp của họ.

 

Theo các nhà phân tích, bằng việc sử dụng chiến thuật trên, quân đội Mỹ rõ ràng là đang đùa với lửa. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, các tay súng Sunni đang được Mỹ trang bị và trả lương này lại quay súng bắn vào chính lính Mỹ, bởi xét cho cùng, với người Sunni ở Iraq, người Mỹ không chỉ là những kẻ xâm lược, mà còn là là kẻ đã tước đoạt của họ tất cả, đẩy họ tới cảnh khốn cùng như hiện nay.

 

Kiến Văn