1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran tuyên bố dập tắt bất ổn do bên ngoài kích động

Ngày 7-1, lực lượng Vệ binh cách mạng Iran tuyên bố nhân dân và lực lượng an ninh Iran đã dập tắt bạo động do các thế lực bên ngoài kích động.

Hơn một tuần trước, cuộc bạo động ở Iran đã khiến 22 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị bắt giữ, theo các quan chức Iran. Hàng ngàn người Iran lấy lý do bức xúc trước nạn tham nhũng, thất nghiệp và khoảng cách giàu nghèo sâu sắc đã tổ chức biểu tình lan rộng tại hơn 80 thành phố và các vùng nông thôn.

"Nhân dân cách mạng Iran cùng hàng chục ngàn binh lính thuộc lực lượng Basij, cảnh sát và Bộ Tình báo đã dập tắt một chuỗi các cuộc bạo động gây ra bởi Mỹ, Anh, Israel, Saudi Arabia, phiến quân Hồi giáo Mujahideen và những người theo chủ nghĩa quân chủ” - tuyên bố của lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cho biết.

Ngày 7-1, Quốc hội Iran đã có cuộc họp kín cùng các bộ trưởng Nội vụ và tình báo để thảo luận về cuộc bạo động, theo Reuters. Người dân tại nhiều thành phố cho biết các cuộc biểu tình đã lắng xuống sau khi chính phủ tăng cường đàn áp, phái lực lượng Vệ binh cách mạng đến một số tỉnh, thành. Tối 6-1, các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát đã có mặt tại các thành phố, gồm TP Khorramabad ở phía Tây Nam Iran. Tại đây vào ngày 3-1, nhiều người biểu tình đã ném đá vào lực lượng cảnh sát.


Người dân tham gia biểu tình phản đối Tổng thống Hassan Rouhani. Ảnh: AP

Người dân tham gia biểu tình phản đối Tổng thống Hassan Rouhani. Ảnh: AP

Khi các cuộc biểu tình lắng xuống, chính phủ đã gỡ bỏ lệnh cấm với ứng dụng Instagram - một trong những mạng xã hội dùng để huy động người biểu tình. Tuy nhiên, ứng dụng nhắn tin Telegram vẫn còn bị chặn nhằm đề phòng có thêm các cuộc biểu tình. Trong thời gian qua đã có rất nhiều cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Tehran diễn ra đồng loạt tại nhiều tỉnh và thành phố trên đất nước Iran.

Hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời một phát ngôn viên cảnh sát cho biết hầu hết những người bị bắt giữ đều bị "dụ dỗ" tham gia biểu tình và đã được bảo lãnh ra ngoài. "Tuy nhiên, những đối tượng cầm đầu cuộc bạo động vẫn bị giam giữ”.


Tuy nhiên, vẫn có nhiều người ủng hộ chính phủ. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người ủng hộ chính phủ. Ảnh: REUTERS

Một số nghị sĩ và lãnh đạo các trường đại học đã bày tỏ mối quan ngại về số phận của các sinh viên bị bắt trong cuộc biểu tình. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tehran - ông Majid Sarsangi cho biết trường đã thành lập một ủy ban để theo dõi tình hình.

Người phát ngôn Quốc hội Iran - ông Behrouz Nemati cho biết trong phiên họp kín, các nghị sĩ đã yêu cầu các quan chức an ninh báo cáo về tình hình các sinh viên bị bắt. Ông Nemati nói: "Một trong những vấn đề được các đại biểu và Quốc hội đưa ra là các sinh viên bị bắt giữ. Cuộc họp đã quyết định rằng Bộ Tình báo sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình và trình báo cáo lên trong tuần tới”. Trước đó, một nghị sĩ cho biết có 90 sinh viên bị bắt giữ.

Nhi Ngô

Pháp luật TP.HCM