1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran sắp phóng vệ tinh

(Dân trí) - Theo tiết lộ từ tạp chí Aviation Week của Mỹ, Iran sắp phóng vệ tinh lên không gian. Thông tin này được đưa ra vào thời điểm IAEA không tán đồng bất kỳ chiến dịch quân sự nào chống lại Iran và ngỏ ý muốn nối lại thương lượng với Tehran.

Trên trang web của Tạp chí Aviation Week (AW)có đăng tải thông tin: "Iran sắp phóng một vệ tinh lên không gian. Nước này đã chuyển đổi một tên lửa đạn đạo thành tên lửa phóng".

AW dẫn lời ông Alaeddin Boroujerdi - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại và an ninh quốc gia của Nghị viện Iran rằng, tên lửa phóng đã hoàn tất công đoạn lắp ráp và sẵn sàng cho việc phóng lên quỹ đạo. Theo nhận định của AW, tên lửa phóng cho phép Tehran thử nghiệm khả năng kỹ thuật phục vụ cho việc phóng tên lửa tầm xa sau này.

Trong khi đó, tình báo Mỹ cho biết, tên lửa phóng có thể là phiên bản khác của tên lửa đạn đạo Shahab-3, có tầm xa lên đến 2.000 km, vươn đến lãnh thổ của Israel, Ảrập Xêút, vùng Vịnh và nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tin về khả năng Tehran phóng vệ tinh làm gia tăng lo ngại của cộng đồng quốc tế về các ý định của Iran, nhất là trong việc từ chối ngưng chương trình làm giàu uranium. Tháng 12/2006, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt chống lại chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran. Tehran luôn phủ nhận mọi ý kiến cho rằng, nước này đang chuyển chương trình hạt nhân dân sự của mình sang mục đích quân sự.

Trong một động thái khác, ngày 23/1, ông Alaeddin Boroujerdi tiết lộ, Iran đã bắt đầu lắp đặt 3.000 máy quay li tâm làm giàu uranium tại cở sở hạt nhân Natanz. Hiện tại, có hai dây chuyền với 164 máy thuộc loại này đang được sử dụng tại đây và việc lắp đặt sẽ phải hoàn tất vào cuối tháng 3 tới.

Theo ông Mohamed ElBaradei, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế IAEA tại Diễn đàn kinh tế Davos (Thụy Sĩ), việc tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại Iran có thể mang lại những kết quả không mong muốn và sẽ tạo cớ để các nhà chức trách Iran bao biện: "Chúng tôi sản xuất bom là để bảo vệ chính mình". Ông nhấn mạnh, con đường ngoại giao và đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Nếu cộng đồng quốc tế không hành động theo hướng này, hậu quả sẽ tồi tệ gấp 10 lần.

Thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng có chung quan điểm cho rằng, tấn công Iran nhằm kết thúc chương trình hạt nhân của nước này sẽ gây ra một thảm họa không chỉ cho Trung Đông mà còn cho toàn thế giới.

Ngọc Nhàn
Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm