1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iran “sẵn sàng đàm phán” hạt nhân

(Dân trí) - Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad ngày 26/1 khẳng định Iran luôn sẵn sàng đàm phán hạt nhân với các cường quốc trong Nhóm 5 +1. Cùng lúc, Tehran cũng tuyên bố đang soạn thảo một đạo luật về chấm dứt xuất khẩu dầu sang EU trước khi lệnh của EU với Iran được công bố.

Iran “sẵn sàng đàm phán” hạt nhân - 1
 Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vừa chỉ trích phương Tây, vừa trấn an dân chúng

Việc Iran khẳng định sẵn sàng đàm phán hạt nhân với các cường quốc trong Nhóm 5 +1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) là trái với luận điểm của phương Tây cho rằng Teheran né tránh thương thuyết.

Theo đài truyền hình nhà nước Iran, vừa chỉ trích phương Tây, Tổng thống Iran vừa trấn an dân chúng là các biện pháp trừng phạt mới sẽ không tác hại đến đời sống người dân.

Theo ông, nếu trước đây 90% giao dịch thương mại của Iran là với châu Âu, thì ngày nay tỷ lệ này chỉ còn là 10%. Còn đối với Mỹ, thì từ 30 năm nay, Mỹ không còn nhập dầu mỏ, cũng như không có quan hệ với Ngân hàng Trung ương Iran.

Trong khi đó, có tin Tehran đang soạn thảo một đạo luật về chấm dứt ngay lập tức xuất khẩu dầu của Iran sang EU trước khi lệnh cấm vận dầu mỏ EU đối với Iran có hiệu lực từ ngày 1/7 đối với nước này.

Đòn trả đũa của Iran có thể làm chấn động một số nền kinh tế không lấy gì làm vững mạnh. Điều này liên quan trước hết với Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia - những nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.

Có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng nếu Iran thực hiện đe dọa này, châu Âu sẽ phải đối mặt với những rắc rối mới, sẽ phải cơ cấu lại một cách nhanh chóng. Điều này sẽ gây ra căng thẳng và, có lẽ là một cơn hoảng loạn nhẹ trong thị trường dầu mỏ.

Trung Quốc phản ứng “muộn” về quyết định của EU

Gây sức ép mù quáng và áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran không phải là những hành động mang tính chất xây dựng” . Đây là đánh giá chính thức của Bắc Kinh về các biện pháp cấm vận mới của Liên minh châu Âu nhắm vào Iran.

Trong tuyên bố công bố ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là luôn luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đối thoại và tham vấn bày tỏ hy vọng rằng “các bên liên quan sẽ có những giải pháp có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Trước Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23/1 đã phê phán quyết định của Liên minh châu Âu nhằm vào Iran, xem đấy là một hành vi "đơn phương".

Theo các nhà quan sát, sở dĩ Trung Quốc đã có phản ứng muộn màng, đó là vì nước này đang bị đẩy vào tình trạng khó xử sau quyết định cứng rắn của châu Âu, và trước đó là Mỹ, chống lại Iran.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, trong lúc Tehran đã trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba cho Bắc Kinh. Nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, cho nên Bắc Kinh cũng không thể tỏ thái độ quá cứng rắn trong việc phản đối cấm vận của phương Tây đối với Iran.

Trà Giang
Theo AFP, Xinhua