1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran khuếch trương thanh thế

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã khai mạc ngày 14/6 tại thủ đô kinh tế của Trung Quốc. Nếu như mọi năm, hội nghị chỉ nhận được sự quan tâm chừng mực của quốc tế thì năm nay nhiều cặp mắt bỗng đổ dồn về Thượng Hải, nơi có sự hiện diện của một nhân vật đặc biệt: Tổng thống Iran Ahmadinejad.

Với 6 thành viên chính thức gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, SCO được thành lập cách đây 10 năm nhằm xử lý những tranh chấp biên giới nhưng sau đó đã dần mở rộng phạm vi hoạt động ra các lĩnh vực khác như chống khủng bố, quốc phòng, năng lượng và hợp tác kinh tế.

 

Tại hội nghị năm nay, ngoài các nước trên thì Iran, Mông Cổ, Ấn Độ và Pakistan là những quan sát viên trong khi Tổng thống Afghanistan H.Karzai là khách mời đặc biệt. Tuy nhiên, gần như tất cả mọi sự chú ý đều dành cho nhà lãnh đạo Iran bởi chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này hiện đang là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất. Dù không công khai nói ra nhưng dư luận đều cho rằng vấn đề hạt nhân của Iran chắc chắn chiếm một vai trò đáng kể trong chương trình nghị sự của hội nghị.

 

Dù chỉ là khách mời nhưng sự hiện diện của Tổng thống M.Ahmadinejad cũng đủ khiến Mỹ hết sức khó chịu. Chuyến đi Thượng Hải của ông Ahmadinejad có ý nghĩa quan trọng bởi đây là dịp để Tehran tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh lớn (Nga, Trung Quốc). Chính vì lý do đó, nhà lãnh đạo quốc gia Tây Nam Á đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga V.Putin vào hôm qua và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào dự kiến vào hôm nay.

 

Mỹ làm sao không lo ngại cho được khi quan hệ giữa Iran với Nga và Trung Quốc dường như vẫn khá nồng ấm. Cả Moscow lẫn Bắc Kinh đều có những lợi ích kinh tế to lớn tại Iran, nhất là quốc gia đông dân nhất thế giới, vốn rất "khát" dầu, đang nóng lòng “chia sẻ” một phần trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Iran, cường quốc dầu mỏ thứ 4 thế giới. "Điều khiến tôi ngạc nhiên là người ta muốn đưa vào tổ chức, vốn tự cho là chống lại chủ nghĩa khủng bố, một trong những quốc gia khủng bố hàng đầu thế giới - Iran", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ D.Rumsfeld tỏ vẻ bực dọc. Washington "quạu" cũng phải bởi sự có mặt của nhà lãnh đạo Iran càng làm tăng thêm nghi ngờ SCO đang trở thành một khối chống lại ảnh hưởng của siêu cường số 1 thế giới.

 

Dĩ nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội kết thêm vây cánh, Tổng thống M.Ahmadinejad tuyên bố sẵn sàng hợp tác về năng lượng với Trung Quốc cũng như các nước khác, đồng thời kêu gọi SCO phát triển thành một tổ chức hùng mạnh trên tất cả mọi lĩnh vực tại khu vực và quốc tế. Hành động này rõ ràng là thông điệp gửi sang Tây bán cầu rằng Iran không hề "cô đơn" trong cuộc đối đầu hiện nay.

 

Theo Xuân Anh

Thanh niên