1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran đề xuất những thay đổi trong thoả thuận với phương Tây

(Dân trí) - Iran đã đề xuất những thay đổi trong thỏa thuận nhiên liệu hạt nhân do Liên Hợp Quốc làm trung gian - báo chí Iran đưa tin, trong khi dẫn lời thổng thống nước này tuyên bố là quan hệ Iran - phương Tây đã chuyển từ "đối đầu sang hợp tác" về hạt nhân.

Iran đề xuất những thay đổi trong thoả thuận với phương Tây - 1

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad

Theo tin từ Tehran, một đặc sứ hôm qua đã chuyển đến Cơ quan Nguyên tử Năng lượng Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IAEA) thư trả lời chính thức của Iran về dự thảo hiệp ước liên quan đến việc trao urani cho các nước khác làm giàu từ nhiên liệu của Iran, được chờ đợi từ hôm 21/10.

IAEA xác nhận Tổng giám đốc tổ chức này Mohamed ElBaradei đã nhận được “phản ứng đầu tiên” từ Tehran, nhưng không cho biết nội dung.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua và được phát lại trên đài phát thanh quốc gia, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói quan hệ giữa Iran - phương Tây đã chuyển từ "đối đầu sang hợp tác" trên hồ sơ hạt nhân. Ông Ahmadinejad khẳng định Iran sẽ hợp tác với IAEA và rằng Iran hoan nghênh sự thay đổi, sẵn sàng bắt tay “những người thực tâm muốn hợp tác”.

Tổng thống Iran cho biết đã chuyển đến IAEA thư trả lời chính thức của Iran về dự thảo thoả thuận được loan báo sau hơn hai ngày đàm phán tại Vienne giữa một bên là Iran và bên kia là Nga, Pháp và Mỹ.

Tuy nhiên, ông Ahmadinejad không cho biết nội dung bức thư. Ông cũng nói với một đám đông đang reo hò ở thành phố Mashhad miền bắc rằng Iran sẽ không bao giờ từ bỏ điều ông gọi là “quyền về hạt nhân” của nước này.

IAEA muốn Iran gửi phần lớn kho dự trữ urani của họ qua Nga để tinh chế khoảng 20% – tức là mức độ cho các mục đích năng lượng, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tinh chế để sử dụng trong việc chế tạo vũ khí. Nhiên liệu sau đó sẽ được gửi qua Pháp để chế biến thành thanh nhiên liệu và gửi trả về cho Iran vào cuối năm tới.

Trong khi đó, các quốc gia Tây phương sẽ tiếp tục thương lượng với Iran về toàn bộ chương trình hạt nhân của họ. Nhưng trong những ngày gần đây, các cơ quan truyền thông Iran đã than phiền về vai trò của Pháp trong đề nghị này.

Một vấn đề nữa là nhiều quan Iran không chấp nhận đề nghị gửi một khối lượng lớn urani ra nước ngoài.

Trà Giang
Theo Reuters, AP