1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia: Xuất bản truyện tranh về thủ phạm đánh bom Bali

(Dân trí) - Thủ phạm duy nhất vụ khủng bố Bali hiện còn sống, tên Ali Imron, đã trở thành nhân vật chính trong một cuốn truyện tranh sắp phát hành ở Indonesia.

 
Indonesia: Xuất bản truyện tranh về thủ phạm đánh bom Bali - 1
Chân dung Ali Imron.
 
Cuốn truyện tranh - có tựa đề “Ketika Nurani Bicara” (Khi lương tâm lên tiếng) - do tổ chức Lazuardi Birru xuất bản và sẽ được phát hành 10 ngàn bản khắp các trường học, thư viện, trường đại học, đền thờ trên cả nước Indonesia từ tháng Chín tới.
 
Bài học xương máu
 
Lazuardi Birru là một tổ chức phi lợi nhuận ở thủ đô Jakarta, chuyên trách việc xử trí chủ nghĩa cực đoan trong thế hệ trẻ.
 
Về ấn phẩm mới này, bà Dhyah Madya Ruth - Chủ tịch Lazuardi Birru - cho hay: "Khó nhất là làm sao cho Ali Imron chịu cởi mở trò chuyện với chúng tôi, nhưng về cơ bản chúng tôi đã cố gắng giành được niềm tin của hắn. Nhưng rồi lại phải đối mặt với một khó khăn nữa. Đó là do nhân thân khủng bố của  Imron mà chúng tôi  phải vượt qua được những thủ tục giấy tờ rất nhiêu khê.  Sau khoảng một năm, cuối cùng thì mọi sự cũng ổn”.

Truyện mở đầu bằng thời kỳ Imron bị bắt,  sau đó là hồi tưởng của hắn từ việc được tuyển mộ ra sao, lên kế hoạch vụ khủng bố Bali ngày 12/10/2002 như thế nào,  cho tới cuộc sống của y khi trốn chạy và cuối cùng là sa lưới cảnh sát.

Từ chính những trải nghiệm của bản thân, Imron  “mách nước” cho thế hệ Indonesia cách thức tránh bị các nhóm khủng bố tuyển mộ, đồng thời cảnh báo họ tránh xa nguy cơ bị tác động bởi hệ tư tưởng cực đoan.

Bên cạnh Imron, đường dây dẫn truyện còn đưa tới các nạn nhân vụ Bali cùng những người tình nguyện giúp đỡ họ. Trong đó có Bambang Agus Priyanto - một người Hồi giáo ở Bali đã dẫn đầu hoạt động cứu trợ sơ tán những người sống sót, và Bambang Agus Priyanto - một phụ nữ Hồi giáo có chồng cũng tử nạn trong vụ khủng bố đẫm máu nhất Indonesia này.

"Do dựa trên câu chuyện có thực, nên nội dung cuốn sách được cân nhắc rất cẩn thận khi đề cập tới những nhân vật có liên quan” - bà Dhyah nói và rằng: “Mục đích của cuốn sách rất đơn giản.  Ali Imron chia sẻ kinh nghiệm của mình do y hối hận đã liên quan tới chủ nghĩa khủng bố. Y muốn ngăn ngừa thế hệ trẻ lặp lại những điều mình đã làm”.  Câu chuyện về cuộc đời Ali Imron được thể hiện qua hình thức tranh truyện, theo bà, là cách để thế hệ trẻ Indonesia nhất là tầng lớp tuổi teen dễ chấp nhận nhất.

Hối cải và cảnh báo
 
Indonesia: Xuất bản truyện tranh về thủ phạm đánh bom Bali - 2
Trang bìa cuốn “Ketika Nurani Bicara”.

Imron (biệt danh Ali Ghufron) là tên chịu trách nhiệm chính lên kế hoạch, giúp lắp ráp bom và huấn luyện những kẻ đánh bom tự sát gây ra vụ khủng bố Bali năm 2002, làm 202 người thiệt mạng, trong đó có tới 88 người Australia. Y hiện đang thụ án tù chung thân.

Không giống hai người anh Amrozi Mukhlas rất ngoan cố và đã bị hành hình năm 2008, Imron thoát án tử hình nhờ biết hối cải, thường xuyên lên tiếng xin lỗi công chúng và hợp tác tốt với cảnh sát trong tiến trình điều tra. Imron được đánh giá là có đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan của các cơ quan chức năng Indonesia.
 
"Ngay từ khi được chỉ dẫn cách mang bom… tôi đã ngờ vực, liệu đó có thực sự là jihad (thánh chiến Hồi giáo)?" - Imron khai trước tòa năm 2003. Còn vì sao Bali bị chọn làm mục tiêu đánh bom,  Imron nói: “…vì là nơi người Mỹ và các đồng minh của họ thường lui tới”. Y đồng thời cũng dẫn lời một lãnh tụ Hồi giáo nói hành động này nằm trong khuôn khổ jihad để “bảo vệ người dân Afghanistan trước người Mỹ".

Trên thực tế, có nhiều người Australia và Indonesia chết hơn là người Mỹ trong vụ khủng bố. Điều đó đã  làm dấy lên suy đoán rằng những tên chủ  mưu hoặc nắm được ít thông tin, hoặc bị những kẻ khác thao túng.

Indonesia là nước có đông dân số Hồi giáo nhất thế giới. Nước này đã phải gánh chịu hàng loạt vụ tấn công khủng bố do nhóm Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiah (JI) có liên hệ với al-Qaeda thực thi. Mục tiêu của JI là đòi thiết lập quốc gia Hồi giáo tại Indonesia và các khu vực khác ở Đông Nam Á. Thời kỳ đầu mới hình thành,  JI chủ trương sử dụng các biện pháp hòa bình hơn, nhưng kể từ giữa thập niên 1990 JI ngả theo chiến thuật bạo lực.

Kể từ sau vụ Bali, Indonesia chưa phải chịu thêm  vụ đánh bom nào thực sự nghiêm trọng. Giới phân tích an ninh cho rằng nguyên nhân do cảnh sát đã làm tốt chức trách của mình, tiêu diệt và bắt được một loạt con cá sộp của JI. Tuy nhiên từ đó cũng nảy sinh vấn đề mới đáng lo ngại. Đó là khả năng các mạng lưới khủng bố có xu hướng trẻ hóa đội ngũ. Nếu vậy, “Ketika Nurani Bicara” là hồi chuông cảnh tỉnh rất cần thiết cho giới trẻ Indonesia.

Thanh Nguyễn
Theo BBC, AP