1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia: "Tiền mất, tật mang" vì trót tin pháp sư giả mạo

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một số người Indonesia đối mặt với tình cảnh không còn một xu dính túi, thậm chí mất mạng, vì tin lời những pháp sư giả mạo sử dụng những thủ đoạn mê tín dị đoan để lừa đảo các nạn nhân.

Indonesia: Tiền mất, tật mang vì trót tin pháp sư giả mạo - 1

Nạn nhân Aslem (Ảnh: AFP).

Aslem, một người mẹ 3 con người Indonesia, làm giúp việc ở Dubai vào thời điểm chị bắt đầu chuyển tiền cho một người tự xưng là thầy cúng. Người này cam kết giúp số tiền mà chị vất vả kiếm được tăng lên gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, Aslem trở về nước mà không còn một xu dính túi. Pháp sư mà cô rất tin tưởng đang phải hầu tòa với hàng loạt cáo buộc từ lừa đảo, tới giết người.

"Tôi không còn thứ gì hết. Tôi muốn cải tạo lại ngôi nhà nhỏ mà bố mẹ để lại. Tôi muốn làm cho họ hạnh phúc… Tôi đã không làm được điều đó cho đến ngày họ qua đời", Aslem, 42 tuổi, cay đắng chia sẻ từ ngôi nhà chật chội, dột nát tại một ngôi làng hẻo lánh ở Karawang, West Java.

Aslem là một trong số những người Indonesia thừa nhận họ bị lừa đảo bởi những người tự xưng là pháp sư có năng lực tâm linh, hứa hẹn biến những khoản đầu tư nhỏ thành tài sản kếch xù.

Theo cảnh sát, một số pháp sư lừa đảo thậm chí đã dùng tới biện pháp bạo lực, thậm chí là giết người khi các nạn nhân tới đòi tiền.

Tại quốc gia đa số người dân theo đạo Hồi như Indonesia, nhiều người tin vào các pháp sư. Lợi dụng điều này, nhiều kẻ đã dùng thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Theo AFP, trên mạng xã hội Facebook ở Indonesia, có hàng chục quảng cáo với khoảng 1,4 triệu lượt xem liên quan tới pháp sư. Nhiều quảng cáo có nội dung phi lý như cam kết sẽ giúp số tiền của một người tăng gấp nhiều lần.

Thủ đoạn lừa đảo

Sau khi chuyển đến Dubai vào năm 2016, Aslem bắt đầu quen biết với một người tự xưng là pháp sư Aki Banyu.

Sau khi được Aki Banyu thuyết phục, chị đã chuyển cho "pháp sư" 288 triệu rupiah (19.500 USD). Banyu hứa với Aslem rằng, hắn sẽ dùng phép thuật để biến khoản tiền của chị thành 2 triệu USD.

Cảnh sát sau đó xác định, Banyu là Wowon Erawan, 60 tuổi. Hắn cùng với 2 đồng bọn khác bị cáo buộc thực hiện các thủ đoạn nhằm lừa các lao động nhập cư.

Vào tháng 1, cảnh sát cáo buộc nhóm 3 nghi phạm trên đã giết hại 9 người, bao gồm cả vợ và con riêng của Wowon để che giấu âm mưu lừa đảo. Cảnh sát cho biết, 3 nghi phạm đã bị bắt và thừa nhận giết người bằng cách đầu độc họ bằng thuốc trừ sâu.

Ba nghi phạm bị cáo buộc lên kế hoạch đầu độc Aslem sau khi chị bắt đầu hỏi về khoản tiền mà chị đã đầu tư vào năm 2022. 

Một lao động nhập cư khác, Neng Hana Patiningrum, tin rằng mình cũng thoát chết dưới bàn tay của những nghi phạm lừa đảo. Trước đó, chị đã chuyển hơn 100 triệu rupiah cho Wowon nhưng đã ngừng gửi tiền từ năm 2021 khi không được giải đáp thắc mắc.

Dù mất tiền, nhưng Patiningrum vẫn may mắn sống sót, khác với người bạn Siti Fatimah, một nạn nhân khác của vụ lừa đảo. Thi thể Fatimah được tìm thấy ở Bali khi chị đã thiệt mạng hồi đầu năm 2021. Wowon bị cáo buộc đã giết hại chị. Dù hắn đã tỏ ra ăn năn và xin lỗi gia đình nạn nhân tại buổi họp báo của cảnh sát hồi tháng 1 năm nay nhưng mọi việc đã quá muộn.

Vào tháng 4, cảnh sát Indonesia bắt giữ Slamet Tohari, 45 tuổi, một người tự nhận là pháp sư. Tohari đang bị cáo buộc tội giết người hàng loạt. Cảnh sát nghi ngờ, nghi phạm đã lừa rất nhiều nạn nhân, và sau đó xuống tay tàn ác với họ bằng chất cực độc Kali xyanua khi họ muốn lấy lại tiền.

Ít nhất 12 thi thể đã được tìm thấy trên mảnh đất thuộc sở hữu của Slamet. Cảnh sát nghi ngờ, con số này có thể nhiều hơn khi họ đã nhận được 28 thông báo mất tích.

Trong khi đó, các nạn nhân của những pháp sư giả mạo thừa nhận rằng họ đang sống trong cảnh nhẵn túi và nỗi xấu hổ vì bị lừa.

"Như một cơn ác mộng vậy. Mọi người không ngừng chỉ trích tôi là ngu ngốc và bất cẩn. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra", nạn nhân Patiningrum bật khóc khi trả lời AFP.

Theo AFP