Indonesia bắt tay Trung Quốc sản xuất tên lửa
(Dân trí) - Indonesia đang tiến hành các cuộc đàm phán với Trung Quốc để chế tạo các tên lửa chống hạm C-105 trong khuôn khổ một nỗ lực của Jakarta nhằm trở nên độc lập hơn trong việc chế tạo vũ khí.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa Jakarta hôm 10/8.
Bộ quốc phòng Indonesia xác nhận rằng một hợp đồng sản xuất tên lửa sẽ được ký kết giữa Indonesia và Trung Quốc vào tháng 3/2013.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Indonesia Michael Tene nói việc hợp tác là một phần của mục tiêu lớn hơn nhằm mở rộng khả năng quân sự của Indonesia.
“Tất nhiên chúng tôi đang phát triển quan hệ thân thiết với tất cả các quốc gia để tăng cường năng lực quốc phòng, không chỉ thông qua việc mua sắm mà còn thông qua hợp tác đầu tư và sản xuất để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Với Trung Quốc, chúng tôi cũng có một phạm vi hợp tác nhằm phát triển các ngành công nghiệp trong lĩnh vực đó”, ông Tene nói.
Indonesia đã dành 15,8 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2014 để hiện đại hoá các hệ thống vũ khí. Nước này hiện đang mua các vũ khí của Hàn Quốc, Nga, Đức, Anh và các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Phủ nhận phát triển liên minh
Kế hoạch hợp tác sản xuất tên lửa giữa Indonesia và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng do các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Hồi tháng trước, ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền chồng chéo.
Bộ quốc phòng Indonesia đã lên tiếng bác bỏ rằng kế hoạch nhằm sản xuất các tên lửa hải quân tầm xa 120km với sự trợ giúp của Trung Quốc là nhằm phát triển các liên minh mạnh mẽ hơn liên quan tới tranh chấp hàng hải.
Nhà phân tích quốc phòng thuộc Đại học Indonesia Yohanes Sulaiman nói nước này chỉ đang thúc đẩy thoả thuận tốt nhất mà họ có thể có được và vẫn thận trọng đối với việc phải phụ thuộc vào Mỹ về khí tài quân sự.
“Nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ tại Papua, Mỹ sẽ áp đặt một lệnh cấm vận quân sự khác và chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt. Đó là lý do vì sao quân đội đang cố gắng mở rộng các quan hệ, đặc biệt với Trung Quốc, như là một nhà cung cấp vũ khí thay thế”, ông Sulaiman nói.
Mỹ từng áp đặt lệnh cấm vận quân sự kéo dài 6 năm đối với Indonesia vào năm 1999 do các lo ngại về nhân quyền ở Đông Timor.
Cùng lúc đó, ông Sulaiman lại cho rằng Indonesia thiếu một chiến lược tổng thể về cách đối phó với các cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
Còn bà Mely Caballero Anthony, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, có quan điểm riêng.
Bà Mely cho rằng Indonesia kiên định giữa vai trò một nhân vật trung lập trong khối ASEAN như giúp giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Campuchia và Thái Lan. Theo bà, Indonesia không cho rằng việc xây dựng quan hệ với Trung Quốc sẽ làm suy yếu mối quan hệ với các đồng minh khác.
“Indonesia, cũng giống như bất kỳ quốc gia thành viên nào của ASEAN, đều không muốn một cuộc cạnh tranh quyền lực leo thang trong khu vực. Nhiều chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN cũng nghiêng về chính sách ngoại giao năng động và tự do, không phải chọn lựan giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, vai trò trung gian không thích hợp trong trường hợp này”, bà Mely nói.
Trần Hải
Theo Chosun