1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hy Lạp xin vay nợ thêm 3 năm, tiếp tục đóng cửa ngân hàng

(Dân trí) - Chính phủ Hy Lạp ngày 8/7 đã quyết định đóng cửa các ngân hàng nước này cho đến thứ Hai tới, và tiếp tục hạn chế rút tiền mặt, giữa lúc thời hạn chót để Thủ tướng Alexis Tsipras đệ trình dự thảo cải cách kinh tế lên EU chỉ còn tính bằng giờ.

Người Hy Lạp sẽ tiếp tục phải chờ ngân hàng mở cửa (Ảnh: Getty)
Người Hy Lạp sẽ tiếp tục phải chờ ngân hàng mở cửa (Ảnh: Getty)

Với quyết định mới nhất này, các ngân hàng Hy Lạp sẽ tiếp tục đóng cửa, sau khi được lệnh “nghỉ lễ” từ ngày 28/6. Hạn mức rút tiền mặt từ các máy ATM vẫn duy trì ở mức 60 euro/ngày.

Athens buộc phải đưa ra quyết định trên sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp hồi đầu tuần quyết định không tăng hạn mức hỗ trợ cho các ngân hàng Hy Lạp, cho đến khi cuộc khủng hoảng nợ được giải quyết.

Hiện Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang phải chạy đua với thời gian để đệ trình các kế hoạch cải cách kinh tế “đáng tin cậy”, trước nửa đêm nay theo giờ châu Âu. Sau đó, lãnh đạo Eurozone, các chủ nợ sẽ xem xét trong hai ngày, trước khi một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU đưa ra phán quyết cuối cùng trong ngày 12/7.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo giờ là “thời khắc cam go nhất trong lịch sử của Eurozone”. “Thời hạn chót cuối cùng kết thúc trong tuần này”, ông Tusk khẳng định sau cuộc họp khẩn các lãnh đạo Eurozone hôm thứ Ba.

Hy Lạp cần 50 tỷ Euro

Phát biểu tại một cuộc họp ở Washington ngày hôm qua, giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tái khẳng định, chỉ bằng cách cơ cấu nợ cùng với triển khai một chương trình cải cách mới có thể giúp vực dậy nền kinh tế Hy Lạp.

“Hy Lạp đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, và cần phải được giải quyết một cách nghiêm túc, gấp rút”, bà Lagarde cảnh báo.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew cũng gia tăng sức ép lên các lãnh đạo châu Âu, khi khẳng định cần có các biện pháp xóa nợ để các bên có thể đạt được một thỏa thuận, và rằng, việc Hy Lạp rời Eurozone sẽ là một “sai lầm địa chính trị”. Hiện Đức vẫn là nước phản đối mạnh mẽ việc cơ cấu nợ cho Hy Lạp.

Cũng trong ngày hôm qua, Athens đã chính thức đề nghị được nhận một khoản cứu trợ mới có thời hạn 3 năm từ quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone – Cơ chế ổn định châu Âu.

Nước này sẽ cần ít nhất 50 tỷ Euro để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Dù vậy, ngay cả khi các kế hoạch cải cách kinh tế và trả nợ của họ được chấp thuận, sẽ cần hơn một tháng để thu xếp khoản tài trợ trên, với những cuộc bỏ phiếu đầy khó khăn tại nghị viện các nước Eurozone, đặc biệt tại Đức.

Trước đó, từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận được hai khoản cứu trợ từ châu Âu và IMF, với tổng trị giá 240 tỷ Euro.

Thanh Tùng
Theo BBC, Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm