Hy Lạp mở lối cho Nga: Vẫn phải qua cửa tử Bosporus
Hy Lạp mở lối giúp hàng hóa Nga có lối đi nếu bị Thổ Nhĩ Kỳ đóng eo biển, tuy nhiên Hạm đội Biển Đen vẫn chưa có đường thoát.
RIA Novosti đưa tin Đại diện Phòng Thương mại-Công nghiệp khu vực Evros thuộc Hy Lạp đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền Simferopol, bán đảo Crimea (Nga).
"Chúng ta có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực, theo nhiều hướng. Đặc biệt, thành phố chúng tôi có một trong những hải cảng lớn nhất, cho phép lưu thông hàng hoá mà không cần qua eo biển Bosporus và Dardanelles. Đây cũng là nơi lắp đặt 3 đường ống dẫn dầu và một nhà máy khí hỏa lỏng có khả năng tiếp tế nhiên liệu cho tàu thuyền", Thị trưởng Thành phố Alexandroupolis (Hy Lạp), ông Evangelos Lambakis tuyên bố.
Ông Lambakis cho rằng, các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga sẽ không ngăn cản giao lưu thương mại - kinh tế giữa hai khu vực.
Ông bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, các cư dân của bán đảo Crimea sẽ nhận được cơ hội phát triển quan hệ với bất kỳ đất nước nào hiểu rằng, sự hợp tác như vậy chỉ mang lại lợi ích.
Sau khi tiêm kích F-16 bắn rơi chiếc chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng căng thẳng quan hệ và thậm chí đe dọa nhau.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình leo thang căng thẳng trong mâu thuẫn với lực lượng người Kurd được Nga hỗ trợ ở biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, làm Nga không khỏi tính toán đến khả năng Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan có thể chặn 2 eo biển chiến lược Bosporus và Dardanelles.
Hai eo biển Bosporus và Dardanelles có vai trò đặc biệt đối với Nga. Hạm đội Biển Đen của Nga muốn tới Syria chỉ có một con đường độc đạo là đi qua eo biển Bosphorus, sau đó vượt qua tiếp eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ, để ra ngoài Địa Trung Hải.
Với vị trí chiến lược quan trọng nối liền biển Đen và biển Marmara (để ra Địa Trung Hải), không chỉ các tàu chiến và tàu hậu cần thuộc Hạm đội biển Đen của Nga mà các tàu thương mại từ Bulgaria, Romania, Georgia, Ukraine… cũng phải đi qua đây.
Nhờ địa thế cực kỳ hiểm yếu và hoàn toàn thuộc về lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ nên nếu không được sự cho phép của chính quyền nước này, chắc chắn không một loại tàu thuyền nào có thể đi qua khu vực này, bất chấp quốc gia đó sở hữu lực lượng hải quân mạnh đến đâu.
Về phía động thái từ Hy Lạp, Nga có thể đã bớt lo ngại về mặt hàng hóa. Song vấn đề quan trọng nhất lại là khả năng hoạt động của Hạm đội Biển Đen.
Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, Crimea là nơi đồn trú của hơn 16.000 quân nhân Nga, với sự hiện diện của khoảng hơn 40 tàu chiến cùng các loại tàu ngầm tối tân.
Cả tàu chiến và tàu ngầm của Hạm đội này chỉ có thể ra quân bằng 2 eo biển chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Hy Lạp có thể giúp đỡ có lẽ chỉ là một phần nhỏ trong những cái khó của Nga hiện nay.
Theo Đông Phong (Tổng hợp)
Đất Việt