1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hy Lạp đạt thỏa thuận vào phút chót về điều kiện nhận gói cứu trợ thứ hai

(Dân trí) – Ngày 9/2, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos và các đối tác liên minh đã đạt được thỏa thuận về mức cắt giảm mới trong kế hoạch "thắt lưng buộc bụng", để có thể nhận được gói cứu trợ tài chính thứ hai có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế nước này.

Hy Lạp đạt thỏa thuận vào phút chót về điều kiện nhận gói cứu trợ thứ hai  - 1

Thủ tướng Hy Lạp Papademos họp với lãnh đạo 3 đảng trong liên minh cầm quyền tại Văn phòng Thủ tướng

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi, thông báo tin vui trên ngay sau khi nhận được điện thoại của Thủ tướng Hy Lạp Papademos.

“Sau nhiều phiên thảo luận căng thẳng, giới chức Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận về các biện pháp kinh tế khắc khổ bổ sung theo đúng yêu cầu của ECB, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Thoả thuận này sẽ giúp Hy Lạp tiến gần hơn tới việc tiếp cận gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ euro”, Chủ tịch Draghi cho biết.

Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, Văn phòng của Thủ tướng Hy Lạp Papademos cũng đã xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết ba đối tác trong liên minh cầm quyền - gồm đảng Xã hội, đảng Bảo thủ và đảng LAOS – đã đạt được thống nhất về tất cả các điểm trong kế hoạch khắc khổ đề ra. 

Đây là thành quả mà Chính phủ liên hiệp của Hy Lạp đạt được vào phút chót sau hai cuộc họp căng thẳng liên tiếp kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ trong ngày 9/2 và ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) diễn ra ở thủ đô Brussels (Bỉ). Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ thảo luận về việc giải quyết khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và xem xét thông qua kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của Athens trước khi cho phép Hy Lạp được chính thức tiếp nhận gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro từ "bộ ba" EU, ECB và IMF..

Theo các điều khoản đề ra trong kế hoạch này, Athens sẽ phải cắt giảm 22% mức lương tối thiểu, 15% lương hưu và 15.000 nhân viên trong các ngành dịch vụ dân sự để có thể đáp ứng mục tiêu cắt giảm 150.000 nhân công dư thừa vào năm 2015.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vốn đã ở mức cao ngất ngưởng 20%, còn nợ công lên tới 350 tỷ euro, tương đương 160% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây chính là lý do tại sao giới công đoàn Hy Lạp kêu gọi tiến hành cuộc tổng bãi công kéo dài trong hai ngày 10-11/2 để phản đối thỏa thuận mà chính phủ nước vừa đạt được với liên minh ba đảng cầm quyền.

Vũ Anh
Theo Reuters, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm