1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hy Lạp - "Chết nhanh còn hơn bị tra tấn dai dẳng"

Trong tình cảnh các ngân hàng đóng cửa, những người già nghỉ hưu vẫn mệt mỏi chờ đợi trước những cánh cửa thép với hy vọng vẫn được nhận lương hưu...

Người dân Hy Lạp xếp hàng trước ngân hàng, máy ATM để rút tiền. (Ảnh:
Người dân Hy Lạp xếp hàng trước ngân hàng, máy ATM để rút tiền. (Ảnh: Getty Images)
 
... Những ông bố, bà mẹ gom từng ít tiền để mua sữa bột cho con. Những trạm xăng hết nhiên liệu, các siêu thị cho biết khách hàng xếp hàng để mua đồ giống như chuẩn bị đón bão. Nhiều người dân Hy Lạp đã quá chán đáp ứng các chủ nợ châu Âu.
Tại Athens hôm qua, người dân giận dữ nhiều hơn là buồn. Tin đồn lan truyền trên các phương tiện truyền thông rằng, một số ngân hàng sẽ mở cửa để trả lương hưu cho những người già mà nhiều người trong số họ không có thẻ ATM. Nhưng đó là tin đồn nhảm, nhiều người già mệt mỏi chờ vô vọng trước các chi nhánh ngân hàng đóng cửa im ỉm.
 
“Tôi nằm viện cả tháng trước, giờ tôi cần tiền để trả các bác sĩ”, bà Georgia, 50 tuổi, một thư ký thất nghiệp hôm qua cố gắng rút tiền từ ATM, than thở. “Chúng tôi hy vọng chúng tôi đang đi đúng hướng, sau đó họ lại kêu gọi trưng cầu ý dân”, bà nói.
 
Những người khác nói rằng, họ không quá sợ hãi về khả năng các khoản tiết kiệm trong ngân hàng sẽ bị chuyển từ đồng euro thành đồng drachma (tiền cũ của Hy Lạp) mất giá trầm trọng.
 
 “Thay vì bị tra tấn năm này qua năm khác, tốt hơn là nên chết nhanh”, anh Stavros Maragoudakis, 38 tuổi, người đang xếp hàng trước ATM ở trung tâm Athens để rút tiền, rầu rĩ nói. “Châu Âu không muốn chúng tôi ở lại. Nếu không, họ sẽ sẵn sàng đưa ra các điều khoản nhẹ nhàng hơn cho Hy Lạp”, anh nói.
 
Trên khắp Athens, một số người vẫn còn giữ được bình tĩnh như chủ cửa hàng bóng đèn Sophia Trezou.
 
Trên một dãy phố bán vật liệu xây dựng với phần nhiều cửa hàng đã đóng cửa sau nhiều năm khủng hoảng, chị Trezou nói rằng, công việc làm ăn mà bố chị khởi nghiệp từ nhiều thập kỷ trước có thể sống sót qua đợt khủng hoảng tài chính này.
 
Trezou nói rằng, chị đã chiến thắng trước chiến dịch của châu Âu nhằm bắt Hy Lạp phải quỳ gối. “Họ gọi chúng tôi là những kẻ tham ô. Họ gọi chúng tôi là những kẻ ăn cắp”, Trezou nói khi đang uống café đen trong góc bề bộn của cửa hàng.
 
Người phụ nữ này nói rằng, chị không lo lắng việc các ngân hàng đóng cửa vì nhiều năm kinh tế khó khăn đã tiêu hết số tiền tiết kiệm của chị. “Họ có thể đóng cửa các ngân hàng. Chúng tôi có thể sống. Chúng tôi có dầu. Chúng tôi có các đất đai trồng trọt”, Trezou nói.
 
Chị cho rằng, các lãnh đạo cánh tả Hy Lạp cuối cùng đã lấy lại một chút tự chủ cho đất nước sau nhiều năm cúi đầu trước các chủ nợ châu Âu. “Alexis Tsipras (Thủ tướng Hy Lạp) là một chiến sĩ. Yanis Varoufakis (Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp) cũng vậy. Họ sẽ giúp đỡ Hy Lạp”, Trezou nói.
 
Bộ trưởng Varoufakis, 54 tuổi, luôn thích áo khoác da, đi làm bằng xe máy và có quan điểm cứng rắn trước các lãnh đạo châu Âu về những điều khoản cho vay.

Thủ tướng Tsipras nói sẽ đưa các điều kiện của gói cứu trợ ra trước cử tri vào Chủ nhật tuần tới, nhưng cũng kêu gọi người dân nói “không” - điều mà các lãnh đạo châu Âu nói rằng sẽ dẫn đến lựa chọn Hy Lạp rời khỏi eurozone, đe dọa các thị trường toàn cầu.

Khoảng 1.000 chi nhánh ngân hàng ở Hy Lạp sẽ mở cửa trong ngày hôm nay (1/7) để cho phép những người nghỉ hưu không có thẻ ATM rút tối đa 120 euro/ngày.
 
Các ngân hàng Hy Lạp hiện sở hữu 20% hệ thống ngân hàng ở một số nước, theo Financial Times. Hàng triệu người ở Bulgaria, Romania, Albania, Serbia, Macedonia… trước đây gửi tiền ở nhiều ngân hàng do các định chế tài chính của Hy Lạp sở hữu, khiến khu vực Đông Nam Âu trở nên dễ bị tổn thương hơn nếu Hy Lạp vỡ nợ.
 
Theo Bình Giang/Washington Post
Tiền Phong