Hungary cảnh báo nguy cơ Thế chiến III nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine
(Dân trí) - Đưa lực lượng NATO đến Ukraine có thể kéo theo thế chiến, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Pháp ngày 3/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để ngỏ khả năng đưa quân vào Ukraine.
Ông cho rằng, phát ngôn của nhà lãnh đạo Pháp khiến tình hình leo thang căng thẳng.
"Nếu một thành viên NATO triển khai quân trên bộ (ở Ukraine), đó sẽ là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga và sau đó sẽ là Thế chiến III", Ngoại trưởng Szijjarto nói.
Ngoại trưởng Hungary cũng chỉ trích ý tưởng của ông Macron về việc vũ khí hạt nhân Pháp có thể trở thành một phần của "hệ thống phòng thủ đáng tin cậy của châu Âu".
"Trong thời bình sẽ khác, nhưng trong thời chiến, những tuyên bố như vậy có thể bị hiểu sai và gây ra hậu quả nghiêm trọng", ông Szijjarto nói.
Ông cũng cảnh báo rằng, nếu tình hình leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, "mọi chuyện sẽ kết thúc đối với tất cả mọi người".
Phát biểu với đài truyền hình Hungary M1 cùng ngày, ông cũng bác bỏ kế hoạch do Tổng thư ký Jens Stoltenberg đưa ra về việc hỗ trợ 100 tỷ euro cho Ukraine trong vòng 5 năm.
"Trong những tuần tới, trong quá trình đàm phán, chúng tôi sẽ đấu tranh để Hungary có quyền tránh xa sự điên rồ này, kế hoạch gom 100 tỷ euro và chuyển chúng ra khỏi khối", ông Szijjarto nhấn mạnh.
Hungary luôn phản đối sự tham gia ngày càng tăng của cả NATO và EU vào xung đột Ukraine, phản đối hỗ trợ Kiev về mặt quân sự, bao gồm cả việc gửi vũ khí hoặc huấn luyện quân đội Ukraine.
Những cảnh báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Macron trong tuần này tiếp tục tuyên bố để ngỏ phương án triển khai lực lượng quân sự tại Ukraine. Ông Macron cho biết, Pháp không loại trừ kịch bản này nếu Nga chọc thủng phòng tuyến của Ukraine và Kiev nhờ đến sự hỗ trợ của phương Tây.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố, Anh không phản đối Ukraine dùng vũ khí do nước này viện trợ để tấn công vào trong lãnh thổ Nga.
Điện Kremlin cho rằng những phát ngôn kiểu này "rất nguy hiểm". "Đây là sự leo thang căng thẳng trực tiếp xung quanh cuộc xung đột Ukraine, có khả năng gây ra mối đe dọa đối với an ninh châu Âu, cũng như đối với toàn bộ cấu trúc an ninh châu Âu", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Về phía Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink cho biết, Washington muốn giúp Ukraine tự vệ nhưng không ủng hộ các cuộc tấn công bằng vũ khí do Mỹ sản xuất vào lãnh thổ Nga.
Khi được hỏi làm thế nào Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến nếu Mỹ hạn chế tấn công vào lãnh thổ Nga, Đại sứ Brink nói rằng quan điểm này không thay đổi kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
"Phần đầu tiên trong việc giúp Ukraine tự vệ là cung cấp vũ khí của chúng tôi và của các đối tác để hỗ trợ nỗ lực của lực lượng Ukraine trên tiền tuyến nhằm giành lại lãnh thổ. Lập trường của chúng tôi ngay từ đầu là chúng tôi không cho phép hoặc khuyến khích việc sử dụng vũ khí của mình bên ngoài lãnh thổ Ukraine", nhà ngoại giao Mỹ nói.
Ukraine tiếp tục thúc ép các đồng minh phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa, nhưng các nước này do dự cung cấp vũ khí có khả năng được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng, Kiev sẽ không sử dụng vũ khí do đối tác nước ngoài cung cấp để tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới đất nước. Tuy nhiên, những hạn chế như vậy không áp dụng đối với vũ khí sản xuất trong nước, một số trong đó được cho là có khả năng tấn công sâu vào Nga.