"Những cái đầu nóng" ở NATO tính gì khi định đưa quân vào Ukraine?
(Dân trí) - Ukraine đang thất thế khi liên tục để mất những cứ điểm quan trọng trước sự lấn lướt của quân đội Nga. Một số quốc gia NATO đã nêu ý tưởng đưa quân đội vào Ukraine tham chiến.
Tuy nhiên, chiến trường Ukraine không giống Liên bang Nam Tư, Iraq, Afghanistan hoặc Syria. Đối thủ của Nato ở đây là Nga - siêu cường quân sự, sở hữu vũ khí hạt nhân và NATO cũng hiểu rõ kết cục "không có kẻ chiến thắng" nếu xung đột với Nga nổ ra. Vậy tại sao nhiều quốc gia NATO, đi đầu là Pháp, lại muốn đưa quân vào Ukraine?
"Cáo muốn mượn oai hùm"?
Từ năm 2022, khi chiến trường chuyển biến xấu, Ba Lan đã đưa ra ý tưởng về khả năng triển khai lực lượng của NATO tới Ukraine, tuy nhiên ngay lập tức đã bị bác bỏ.
Vấn đề này nóng trở lại cuối tháng 2/2024, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra ý tưởng thành lập liên minh quân sự của phương Tây gửi quân tới Ukraine. Động thái này đồng nghĩa với việc NATO sẽ hiện diện chính thức tại Ukraine và có thể bị kéo vào cuộc xung đột tại đây.
Ý tưởng của Pháp đã gây ra làn sóng phản ứng trái chiều. Một số thành viên NATO, trong đó có Thủ tướng Estonia Kaja Kallas ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp, thì đa phần thành viên của khối quân sự này, gồm có Mỹ, lại không tán thành.
Chỉ 24 giờ sau phát biểu của Tổng thống Pháp, ngày 27/2, NATO tuyên bố khối quân sự không có kế hoạch triển khai quân tác chiến ở Ukraine. Anh, Đức, Ba Lan, Phần Lan, Cộng hòa Séc cũng loại trừ khả năng này,
Thậm chí, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson bày tỏ lấy làm tiếc khi đề xuất được đưa ra ngay vào thời điểm rào cản cuối cùng trong nỗ lực gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu được dỡ bỏ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thẳng thừng tuyên bố rằng các nước châu Âu, NATO sẽ không gửi quân đến Ukraine trong tương lai.
Đáng chú ý nhất là phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder bác bỏ khả năng Washington sẽ gửi quân tới chiến đấu ở Ukraine: "Mỹ không có kế hoạch cử binh sĩ đến chiến đấu ở Ukraine. Tổng thống của chúng tôi đã khá rõ ràng về vấn đề này và đây tiếp tục là lập trường của Washington.
Từ quan điểm của Bộ Quốc phòng, kể từ khi xung đột bùng phát, chúng tôi đã rất tích cực hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Đó không chỉ là nỗ lực của Mỹ, mà là của liên minh quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ cho Kiev nhanh nhất có thể và đáp ứng nhu cầu an ninh cấp bách nhất của họ".
Trả lời hãng thông tấn Reuters, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận không có kế hoạch đưa quân liên minh tới Ukraine và hiện thời không thấy bất kỳ mối đe dọa quân sự nào từ Nga đối với các quốc gia thành viên của khối.
"NATO không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine và NATO cũng như các đồng minh của mình không phải bên tham gia xung đột", ông nói.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có phạm sai lầm khi nói về "sự mơ hồ chiến lược" về khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine hay không, ông Stoltenberg khẳng định: "Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi phải tham khảo ý kiến và có cách tiếp cận chung bởi vì nó có ý nghĩa với tất cả chúng tôi".
Theo đó, hiện tại Moscow không đe dọa liên minh, do họ đang bận tâm với Ukraine.
Thậm chí vấn đề gửi quân tới hỗ trợ Kiev đã gây ra sóng gió trong lòng một số quốc gia thành viên NATO. Quốc hội Estonia đã yêu cầu Thủ tướng Kaja Kallas cam kết không gửi quân đội đến Ukraine, buộc nhà lãnh đạo Estonia phải thừa nhận chỉ có ý định cử lực lượng hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine, chứ không phải đưa quân trực tiếp tham chiến.
Những tuyên bố trái chiều nói trên cho thấy bản thân nội bộ của NATO đều có quan điểm không thống nhất liên quan tới vấn đề xung đột Ukraine và quan trọng hơn cả là khả năng xảy ra xung đột giữa khối quân sự với Nga.
Câu hỏi được đặt ra là các thành viên NATO đều muốn có điều 5 trong hiệp ước phòng thủ tập thể, nhưng quy định này không có giá trị pháp lý ở Ukraine vì Kiev chưa phải là thành viên của NATO.
"Điều khoản phòng thủ tập thể số 5 của NATO sẽ không được kích hoạt trong trường hợp Nga tấn công vào quân đội của bất kỳ quốc gia thành viên nào được triển khai tới Ukraine", báo DPA dẫn nhận định của nhóm chuyên gia quốc hội Đức ngày 29/3.
Điều 5 phản ánh nguyên tắc phòng thủ tập thể của 31 thành viên NATO. Theo đó, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay nhiều thành viên của NATO đều bị coi là tấn công vào toàn bộ liên minh.
"Nếu quân đội của một quốc gia thành viên NATO tham gia phòng vệ tập thể theo Điều 51, Hiến chương Liên Hợp Quốc vì lợi ích của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và bị Nga tấn công, điều này không vi phạm Điều 5", DPA trích dẫn lập luận của các chuyên gia.
Theo tài liệu chưa được công bố, Điều 5 của Hiệp ước NATO chỉ có thể được kích hoạt trong trường hợp các quốc gia thành viên của khối bị tấn công trên chính lãnh thổ nước họ.
Rõ ràng, đã có những tính toán rằng việc hiện diện của quân đội một số thành viên NATO trên lãnh thổ Ukraine sẽ khiến Nga chùn tay. Điều này không khác gì "cáo muốn mượn oai hùm".
Nga lên tiếng: NATO đưa quân vào Ukraine là khai chiến với Moscow
Ngay sau những lời kêu gọi thành lập liên minh quân sự phương Tây triển khai tới Ukraine, Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn để đại diện NATO giải thích về ý tưởng đưa quân vào Ukraine do Tổng thống Pháp đưa ra.
Phó trưởng đoàn Thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nhấn mạnh: "Thật tốt nếu các đại diện NATO ở Hội đồng Bảo an giải thích cho chúng tôi về lập trường quanh co của họ.
Các lãnh đạo NATO ban đầu nói rằng họ nên mở rộng tới Ukraine vì Nga sẽ không bao giờ tấn công thành viên NATO. Nhưng giờ đây chúng tôi lại nghe được rằng Nga không được phép thắng ở Ukraine, vì khi đó Moscow sẽ tiến xa hơn và tấn công NATO".
Ông Dmitry Polyansky thậm chí coi ý tưởng triển khai lực lượng NATO của Pháp tới Ukraine là đe dọa châm ngòi Thế chiến thứ 3.
"Một số chính trị gia vô trách nhiệm ở châu Âu đang muốn leo thang xung đột tại Ukraine, nâng cấp xung đột gián tiếp Nga - NATO thành xung đột trực diện. Làm gì còn cách giải thích nào khác về lập trường của Tổng thống Macron khi nêu phương án đưa lực lượng NATO vào Ukraine để bảo vệ chính quyền Kiev", ông nói.
Phản ứng trước thông tin trên, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow cũng sẽ xóa bỏ "lằn ranh đỏ" với chính quyền Tổng thống Pháp: "Ông Macron nói "không còn lằn ranh đỏ hoặc giới hạn nào" trong việc ủng hộ Ukraine. Điều đó đồng nghĩa Nga không còn lằn ranh đỏ nào nữa với Pháp".
Còn Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev tuyên bố, việc NATO đưa quân tới Ukraine sẽ tương tự lời khai chiến với Nga. Ông Konstantin Kosachev khẳng định khả năng NATO triển khai lính tới Ukraine sẽ dẫn tới "kịch bản thảm khốc". Điều đó có thể được diễn giải như "lời tuyên bố chiến tranh" đối với Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Pháp và cảnh báo hành động của phương Tây sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga.
Liên quan tới vấn đề này, trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 17/3, sau khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Moscow đã biết trước việc NATO sẽ triển khai quân ở Ukraine. Ông tuyên bố việc binh sĩ NATO có mặt trên thực địa ở Ukraine không còn là bí mật và cảnh báo họ đang phải đối mặt với viễn cảnh bi thảm.
"Chẳng có gì tốt đẹp trong việc này, bởi khả năng binh sĩ NATO thiệt mạng trong cuộc chiến sẽ rất cao", Tổng thống Nga tuyên bố.
Nhà lãnh đạo nước Nga cũng không loại trừ khả năng xảy ra xung đột toàn diện giữa NATO và Nga: "Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong thế giới hiện đại và đây có khả năng sẽ là bước tiến ngắn dẫn đến Thế chiến thứ 3. Nhưng tôi không nghĩ có ai đang quan tâm đến điều đó".
Vì sao một số thành viên NATO muốn hiện diện tại Ukraine?
Rõ ràng không phải những thành viên NATO không hiểu rõ hậu quả của việc triển khai lực lượng tới tham gia cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, có lý do để vài quốc gia muốn mượn NATO để thực hiện mục tiêu riêng hoặc vì những lợi ích riêng của nhóm các quốc gia.
Điểm đáng chú ý đầu tiên đó là sự thay đổi quan điểm của Pháp trong việc giải quyết xung đột Ukraine. Paris đã thay đổi từ việc muốn đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc xung đột, trở thành "lính xung kích" trong xung đột với Nga.
Giới chuyên gia đánh giá, điều này có liên quan tới rạn nứt trong trục quan hệ giữa 2 quốc gia đứng đầu châu Âu là Pháp và Đức. Paris đang muốn nổi lên là một cực ra quyết định của châu Âu, được đưa ra thông qua động thái thiết lập quyền quyết định liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.
Lý do tiếp theo có thể là khi chính quyền Kiev đang ở "chiếu dưới" và có nguy cơ phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Nga trong điều kiện bất lợi, việc hiện diện của NATO sẽ khiến Nga "chùn tay".
Hành động câu giờ này không chỉ tạo thế cho Ukraine, mà còn là thời gian để tìm kiếm các nguồn viện trợ mới dành cho Kiev với mục tiêu kéo dài cuộc chiến, khiến cho Nga tổn thất tối đa có thể.
Một lý do khác trong bất kỳ cuộc chiến nào chính là miếng bánh tái thiết thời hậu chiến. Một đất nước Ukraine đổ nát sau xung đột sẽ cần hàng trăm tỷ USD để tái thiết.
Tuy nhiên, việc quan trọng nhất là phải duy trì được chính thể tại Ukraine như hiện tại hoặc nghiêng về phía phương Tây để đảm bảo những gói tái thiết rơi vào tay các nhà thầu, tập đoàn Mỹ và châu Âu. Và điều cần làm chính là sự hiện diện quân sự của NATO để đảm bảo điều đó.
Dù cuộc xung đột vẫn chưa ngã ngũ nhưng kịch bản về thỏa thuận đình chiến tương tự như trên bán đảo Triều Tiên đang hiện hữu. Vậy hãy chờ xem NATO liệu có đạt được mục tiêu trước một nước Nga đã thể hiện rõ sự đoàn kết xung quanh ông Putin thông qua cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra hay không.