1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hơn 2 triệu người mắc Covid-19, nhiều nước rục rịch nới lỏng phong tỏa

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến hơn 2 triệu người trên thế giới mắc bệnh và có thể kéo theo một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có trong gần một thế kỷ. Nhiều nước đang dần nới lỏng phong tỏa.

Hơn 2 triệu người mắc Covid-19, nhiều nước rục rịch nới lỏng phong tỏa
Hơn 2 triệu người mắc Covid-19, nhiều nước rục rịch nới lỏng phong tỏa - 1

(Ảnh minh họa: Getty)

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins của Mỹ, tính đến hết ngày 15/4, số người mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã lên hơn 2,06 triệu người. Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh nhất với ít nhất 640.000 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với hơn 180.000 ca, Italia hơn 165.000 ca.

Trong khi đó, số người chết vì dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra đã vượt 134.000 người, trong đó Mỹ chiếm gần 30.000 trường hợp.

Số liệu thống kê cho thấy, số người mắc Covid-19 toàn cầu vượt mốc 1 triệu người sau 83 ngày kể từ khi dịch bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái và chỉ mất thêm 14 ngày để cán mốc 2 triệu ca.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các mặt đời sống ở hầu khắp thế giới, từ kinh tế, chính trị đến xã hội. Nhiều quốc gia đã phải sử dụng đến các biện pháp ứng phó chưa từng có tiền lệ như phong tỏa toàn bộ đất nước để ngăn dịch lây lan.

Mỹ và nhiều nước châu Âu là tâm chấn tiếp theo sau khi dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Hiện tại, có nhiều dấu hiệu cho thấy các nước này hoặc đã qua hoặc sắp qua đỉnh dịch và giới chức tại đây bắt đầu nới lỏng phong tỏa để nối lại hoạt động kinh tế.

Các nước nới lỏng phong tỏa

Tại Mỹ, giới chức nước này tiếp tục tranh luận về thời gian và cách thức nối lại hoạt động kinh tế để tránh nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại. Trên thế giới, lãnh đạo nhiều nước cũng đau đầu với bài toán khi nào có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa để kích hoạt lại nền kinh tế mà vẫn tránh được làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Áo và Italia đã cho phép một số cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại từ hôm 14/4. Tại Đan Mạch, học sinh tiểu học cũng bắt đầu trở lại trường từ ngày 15/4 trong khi các bệnh viện bắt đầu tiếp nhận trở lại các bệnh nhân ngoài bệnh nhân Covid-19.

Tại Tây Ban Nha, một số hạn chế đã được nới lỏng từ ngày 13/4. Khoảng 300.000 lao động ở khu vực Madrid của Tây Ban Nha bắt đầu được đi làm trở lại. Tuy nhiên, một số cửa hàng, quán bar và các doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ phong tỏa cần thận trọng và dần dần vì nếu thực hiện quá sớm có thể dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại. Theo tổ chức này, việc nới lỏng phong tỏa nên chia thành các giai đoạn khác nhau trong 2 tuần để vừa nới lỏng vừa đánh giá tác động trước khi thực hiện các bước đi tiếp theo.

Trong một diễn biến liên quan khác, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dự báo, kinh tế toàn cầu có thể giảm 3% trong năm nay, đánh dấu suy thoái mạnh nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930. IMF cảnh báo, tình hình kinh tế toàn cầu thậm chí có thể tệ hơn nữa tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch Covid-19.

IMF dự báo, Covid-19 sẽ đạt đỉnh ở hầu hết quốc gia trong quý II và giảm dần trong nửa cuối năm. Việc đóng cửa kinh doanh và các biện pháp ngăn chặn khác sẽ dần được nới lỏng.

Minh Phương
Theo SCMP