1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị EU về tương lai của nước Anh

Đàm phán về tương lai nước Anh đi hay ở lại trong EU đang trong giai đoạn rất khó khăn và nhạy cảm.

Ngày 18/2, trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) 28 lãnh đạo thành viên của Liên minh châu Âu đã bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm tìm kiếm thỏa thuận cải cách khối với mục đích chính là để giữ Anh ở lại trong mái nhà chung châu Âu.


Anh và EU. Ảnh: Telegraph.

Anh và EU. Ảnh: Telegraph.

Ngay trước khi bước vào cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo rằng những cuộc đàm phán vẫn rất khó khăn để có thể đi tới một thỏa thuận được cả Anh và các nước EU khác chấp thuận. Bởi theo ông, châu Âu đang ở giữa một giai đoạn đàm phán rất khó khăn và nhạy cảm về các đề xuất của Anh. Và một điều chắc chắn đây sẽ là cuộc họp chỉ có thể “thành công hay thất bại mà thôi".

Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ bác bỏ bất cứ thỏa thuận nào nếu nó không đáp ứng được các đòi hỏi của Anh.

Ông Cameron cũng bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận với EU, để có thể bắt đầu chiến dịch vận động ở lại EU trước khi nước này tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào cuối tháng 6 năm nay: “Chúng tôi có một số công việc quan trọng phải làm trong hai ngày Hội nghị. Sẽ rất khó khăn! Tôi sẽ tranh đấu đến cùng cho nước Anh. Nếu đạt được một thỏa thuận tốt là một điều đáng mừng. Tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận mà ở đó không đáp ứng được những gì chúng tôi cần. Tôi nghĩ rằng, không nên vội vàng để quyết định điều gì nhưng với thiện chí và sự cố gắng chúng tôi sẽ giành được những gì tốt hơn cho nước Anh”.

Cho đến giờ, Thủ tướng ông David vẫn tiếp tục phải thuyết phục các nước EU còn lại ủng hộ 4 đề xuất gây tranh cãi của mình tại Hôi nghị ở Brussels, được mô tả là cơ hội tốt nhất và cuối cùng (bây giờ hoặc sẽ không bao giờ) để giữ nước Anh ở lại mái nhà chung châu Âu.


 Ông Donald Tusk (giữa trái) và ông Junker (giữa phải) trong hội nghị EU (Ảnh AP).

Ông Donald Tusk (giữa trái) và ông Junker (giữa phải) trong hội nghị EU (Ảnh AP).

Các cuộc thảo luận riêng trước đó giữa lãnh đạo EU và Thủ tướng Anh đã bộc lộ những bất đồng sâu sắc, đặc biệt là việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu làm việc tại Anh. Đòi hỏi này của phía Anh đã vấp phải sự phản đối tại Trung Âu và Đông Âu khi hàng trăm nghìn người đã tới Anh và hưởng trợ cấp một khi họ ký hợp đồng lao động.

Theo giới quan sát rất khó để phán đoán về sự thành công hay thất bại tại Hội nghị EU trong vấn đề này. Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, một số lãnh đạo các nước thành viên như: Italy, Hà Lan, Đức, Pháp, Litva... đều bày tỏ lạc quan rằng EU và Anh sẽ đạt được một thỏa thuận tại Hội nghị. Tuy nhiên, phần lớn cho rằng, còn nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết để làm sao vẫn giữ được nước Anh ở lại mà vẫn tôn trọng được những nguyên tắc cơ bản của Liên minh châu Âu.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: “Một thỏa thuận là có thể bởi điều đó rất cần thiết. Anh phải ở lại Liên minh châu Âu. Đó là mong muốn của tôi. Nhưng đồng thời, EU phải tiến lên phía trước. Không một quốc gia nào có thể có quyền phủ quyết và không nước nào được miễn trừ khỏi những quy định chung của khối. Đó là quan điểm của tôi. Giữ lại nước Anh ở lại Liên minh châu Âu song cũng phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của châu Âu”.

Trong khi đó, một số quan chức châu Âu đã bày tỏ những lo ngại rằng nếu EU chấp nhận yêu cầu của Anh có thể sẽ tạo ra một tiền lệ khiến các nước khác sau này cũng đưa ra những yêu sách riêng nhằm thay đổi hiệp định thành viên của mình. Còn trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với Anh, điều đó đồng nghĩa với việc Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU.

Và nếu kịch bản không mong muốn này xảy ra, chắc chắn nó sẽ khiến EU bị chấn động mạnh, đặc biệt trong bối cảnh lục địa này chưa thể thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, nhưng lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất trong lịch sử.

Theo Mai Liên

VOV