1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hồi kết buồn cho cuộc "hôn nhân" EU - Anh

Cuộc “hôn nhân” rất có thể có một kết cục buồn khi Brussels và London không thể đạt được thỏa thuận cho việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi là Brexit) sau 45 năm “chung sống”.

Hồi kết buồn cho cuộc hôn nhân EU - Anh - Ảnh 1.

Cộng hòa Ireland tới nay vẫn giữ lập trường về một đường biên giới mềm sau Brexit để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa với Bắc Ireland

Cộng hòa Ireland tới nay vẫn giữ lập trường về một đường biên giới mềm sau Brexit để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa với Bắc Ireland

Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 17-10 đã bất ngờ thông báo không có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới, tuy nhiên sẵn sàng tham dự họp khi nào Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết cuộc đàm phán đã “đạt được tiến bộ quan trọng”. Tuyên bố này của EU cho thấy khả năng liên minh này và Anh đạt được thỏa thuận về vấn đề Brexit là không cao bởi hội nghị thượng đỉnh trên đã được lên kế hoạch từ trước để đưa ra quyết định cuối cùng về việc chấm dứt cuộc “hôn nhân” với nước Anh.

Giải thích về quyết định phát đi tín hiệu xấu về Brexit, lãnh đạo các nước EU cho rằng hiện giờ các cuộc đàm phán Brexit chưa đạt được đủ tiến bộ, dù hai bên đã rất nỗ lực. Trong động thái được cho là níu giữ hy vọng tới phút chót, lãnh đạo EU tái khẳng định ông Barnier tiếp tục là Trưởng đoàn đàm phán EU và kêu gọi quan chức này hãy tiếp tục nỗ lực tối đa để tháo gỡ bế tắc hiện nay.

Bế tắc lớn nhất cản trở đạt được thỏa thuận về Brexit vẫn là vấn đề đường biên giới của Ireland. Sau khi Anh rời EU, đường biên giới giữa Bắc Ireland (là một phần của Liên hiệp Anh) và Cộng hòa Ireland (hiện không thuộc Liên hiệp Anh) sẽ không còn là đường biên giới của EU nữa mà sẽ trở thành biên giới giữa một nước trong và ngoài EU.

Trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU, vấn đề đường “biên giới cứng” hay đường “biên giới mềm” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland luôn là vấn đề gây tranh cãi gay go nhất. Phía EU ủng hộ quan điểm của Cộng hòa Ireland là duy trì tình trạng như hiện nay sau Brexit, tức duy trì đường “biên giới mềm” giữa hai bên và các quy định của EU về thuế quan vẫn được áp dụng trên lãnh thổ Bắc Ireland. Tuy nhiên, Anh và Bắc Ireland lại muốn thiết lập một đường “biên giới cứng”.

Cũng mong muốn cố gắng tới cuối cùng nhằm đạt được thỏa thuận Brexit, song chính quyền Thủ tướng Anh Theresa May lại không thay đổi lập trường trong vấn đề then chốt nhất khi tuyên bố với lãnh đạo 27 thành viên EU rằng London sẵn sàng xem xét đề xuất kéo dài thời gian cho thời kỳ chuyển đổi của EU như là một phần của thỏa hiệp về bất đồng đường biên giới Ireland. Tuy nhiên, lãnh đạo EU đã lập tức “lắc đầu” khi cho rằng bà May đã không đưa ý tưởng mới nào nhằm phá vỡ những bế tắc về vấn đề mang ý nghĩa quyết định.

Hy vọng ngày càng mong manh khi thời hạn Brexit 29-3-2019 ngày càng tới gần đã khiến các bên tính tới phương án khả thi nhất vào lúc này, đó là kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm 1 năm. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ngày 17-10 đã chia sẻ ý tưởng kéo dài quá trình chuyển tiếp Brexit đến năm 2021, thay vì kết thúc vào năm 2020 như kế hoạch. Mục đích của việc kéo dài này là để giới chức hai bên có thêm thời gian thương lượng về thỏa thuận thương mại trong tương lai sau khi London rời khỏi “mái nhà chung” EU.

Thế nhưng, tuyên bố ngày 17-10 của lãnh đạo EU trong bối cảnh bất đồng chính trong đàm phán Brexit vẫn chưa được thu hẹp nên các bên đều đã tính tới “kịch bản” nước Anh rời liên minh mà không có thỏa thuận “ly hôn”, điều mà người đứng đầu các “ông lớn” trong EU như Tổng thống Pháp hay Thủ tướng Đức đã công khai tuyên bố ngay tại cuộc họp cùng ngày.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm