1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Học thuyết hàng hải” mới của Nga: Đâu là điểm nhấn?

(Dân trí) - Nga đã cho công bố “Học thuyết hàng hải” mới, hay còn gọi là “Học thuyết biển” mới của nước này, văn kiện dài 46 trang với 10 nội dung quan trọng, 4 nhiệm vụ, và 6 khu vực trọng điểm. Trong văn kiện có những điểm nhấn được giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

“Học thuyết hàng hải” mới của Nga: Đâu là điểm nhấn? - 1

Tàu chiến Nga trong cuộc tập trận (Ảnh: RIA)

Từ đáp trả NATO và bảo vệ lợi ích của Nga…

Theo giới quan sát, những tháng đầu năm nay, lực lượng NATO đã ngày càng tiến sát đến biên giới nước Nga và dường như nước này đã “co lại” gần giống như thời kỳ “nước Nga ốm yếu” trong những năm 1990 của thế kỷ trước.

NATO đã triển khai 6 Trung tâm chỉ huy, 12 máy bay tấn công A-10, hàng trăm xe tăng, xe quân sự, một khẩu đội tên lửa Patriot, một lữ đoàn phòng không và hàng trăm binh sỹ Mỹ tại lãnh thổ các nước thành viên NATO ở phía Đông.

Động thái trên được coi là hướng vào nước Nga trong bối cảnh căng thẳng xung quanh sự kiện Ukraine. Mỹ còn cho biết sẽ sớm gửi đoàn xe bọc thép Stryker hành quân theo lộ trình 1.100 dặm, qua 6 quốc gia thành viên NATO ở phía Đông.

Hồi tháng 3/2015, các tàu quân sự của Mỹ, Canada, Italy, Đức còn tổ chức đợt huấn luyện trên Biển Đen với các tàu chiến của Bulgaria, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc diễn tập được tiến hành sau khi nhóm tàu hải quân này thăm thành phố cảng Varna của Bulgaria, khu vực tiếp giáp với bán đảo Crimea của Nga chỉ cách căn cứ hải quân Sevastopol vài trăm km.

Theo giới chuyên gia, trước các động thái lấn lướt của Phương Tây, Nga đã quyết định đưa ra “Học thuyết hàng hải” mới, nhằm đối phó với cuộc hành trình “Đông tiến” của NATO và bảo vệ lợi ích biển của Nga là cần thiết.

Đến xác định những vấn đề then chốt…

“Học thuyết hàng hải” mới của Nga đã xác định 10 nội dung, 4 nhiệm vụ, 6 khu vực trọng điểm, nhằm khẳng định vị thế cường quốc biển, bảo vệ lợi ích trên các hướng chiến lược, với lực lượng và thế trận hải quân mới sẽ được triển khai:

Một là, khẳng định nước Nga với vị trí địa lý và lịch sử của nó, đã đang và sẽ luôn luôn là cường quốc biển; Hai là, nước Nga bảo vệ lợi ích biển từ quyền tài phán và các quyền lợi khác của mình trên mặt biển, trên không phía trên mặt biển, trong lòng nước biển và vùng đáy biển trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; Ba là, bảo vệ đội tàu thương mại, tàu mang cờ Nga, hoạt động của Hải quân ở các vùng biển xa, bao gồm cả vùng biển Nam Cực; Bốn là, Nga coi trong hoạt động Hàng hải, nhất là các hạm đội Baltic, Biển Bắc, Thái Bình Dương, Biển Đen, và Biển Caspian.

“Học thuyết hàng hải” mới còn đưa ra 4 nhiệm vụ: hoạt động hải quân, vận chuyển hàng hải, khoa học hàng hải, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Và 6 khu vực trọng điểm: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương, biển Caspi và Nam Cực.

Khu vực Bắc Cực và Nam Cực liên quan đến lợi ích địa - chính trị của Nga tại Địa Trung hải, Biển Đen và biển Azov, nơi các điều kiện hoạt động quân sự và hàng hải đã hoàn toàn thay đổi từ sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.

“Học thuyết hàng hải” mới còn đặt ra nhiệm vụ cho sự hiện diện thường xuyên và tích cực nhất của hải quân Nga tại Nam Cực và ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, chưa có một nguyên tắc rõ ràng nào quy định mức độ hiện diện của hải quân mang tính định kỳ hay trên cơ sở các yêu cầu đột xuất.

Và điều chỉnh lực lượng, thế trận…

“Học thuyết hàng hải” mới tiếp tục khẳng định NATO là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và nhận định Nga không thể chấp nhận các kế hoạch dịch chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đến sát biên giới Nga.

Vì thế, việc tăng cường đầu tư cho lực lượng vũ trang và bố trí lại thế trận trên biển là hết sức cần thiết. Lâu nay nước Nga vẫn bị coi là tụt hậu trong công nghệ quân sự, bao gồm cả kỹ thuật hàng hải quân sự…

Lực lượng hàng hải Nga sẽ bao gồm các lực lượng chiến đấu của Hải quân, đội tàu thương mại và lực lượng biên phòng. Nhà nước có chính sách ưu tiên tạo môi trường, cơ chế thuận lợi để phát huy mọi nguồn lực bảo vệ có hiệu quả biên giới và lợi ích quốc gia trên biển.

Trên cơ sở phối hợp với Cơ quan đáy biển quốc tế, Nga đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, khảo sát, hoàn thiện bản đồ đáy biển; tác động của biến đổi khí hậu lên đại dương thế giới, đẩy mạnh đầu tư các hoạt động quan trắc khí hậu.

Hải quân Nga có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới quốc gia trên biển: các vùng biển nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa một cách trực tiếp, đồng thời với các thỏa thuận song phương, đa phương giữa các quốc gia, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin trong khu vực biên giới, chia sẻ thông tin về di cư bất hợp pháp và buôn lậu vũ khí, vật liệu nổ và các chất ma túy.

Một trong những mục đích của chính sách hàng hải là việc bảo vệ quyền tự do hoạt động ở các vùng biển “mở”. Đặc biệt là vùng không phận dành cho các chuyến bay quân sự trên biển Baltic và vùng các quần đảo Anh, theo quy định của Công ước quốc tế năm 1958 và của LHQ năm 1982.

Chuyên gia Alexander Golts nhận định: Các yếu tố thay đổi về học thuyết hàng hải cho thấy Nga đang chú trọng đặc biệt đến tiềm lực hải quân ở Bắc Cực và Đại Tây Dương để ngăn chặn NATO. Đồng thời Nga cũng phát triển mối quan hệ hữu nghị với các nước ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Theo đó, Nga sẽ bố trí lại thế trận trên biển và đại dương: (1) Tăng cường các vị trí chiến lược của hải quân Nga trên biển Đen bao gồm cả hạm đội biển Đen ở Crimea; (2) Duy trì sự hiện diện đầy đủ của hải quân Nga ở Đại Tây Dương; (3) Sẽ triển khai hải quân Nga thường xuyên tại Địa Trung Hải; (4) Chú trọng giảm thiểu các nguy cơ về an ninh quốc gia và bảo đảm ổn định chiến lược.

Trước đó, Tổng thống Putin từng tuyên bố kế hoạch của Nga cho đến cuối thập niên này, sẽ chi khoảng 20 nghìn tỷ ruble (300 tỷ USD) để tái hiện đại hóa lực lượng vũ trang, trong đó lực lượng hải quân sẽ được dành một vị trí xứng đáng.

Việc Tổng thống Putin vừa phê duyệt “Học thuyết hàng hải” mới của Nga có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ và NATO. Bởi lẽ với học thuyết mới này Nga đã tuyên bố về những lợi ích địa - chính trị sẵn có của mình ở tất cả các đại dương trên thế giới.

Như vậy, thông qua công bố học thuyết mới, Nga khẳng định nước nước này đã đang và sẽ luôn luôn là cường quốc biển. Nước Nga sẽ bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển bằng các hoạt động đa dạng với Hải quân là nòng cốt và theo luật pháp quốc tế; các hướng chính mà Nga coi trọng là: Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và biển Caspian. Biển Bắc được xác định ưu tiên.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, tham vọng biển và đại dương của LB Nga tiếp tục phản ánh sự “cọ sát” giữa hai đại chiến lược “Đông tiến” của NATO và “Chim ưng hai đầu” của Nga.

Nguyễn Nhâm

“Học thuyết hàng hải” mới của Nga: Đâu là điểm nhấn? - 2