1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Học giả Trung Quốc: Không hề có “Đường 9 đoạn”

Tại Trung Quốc, bất chấp những thông tin tuyên truyền sai lệch trên báo chí, vẫn có những tiếng nói của các học giả nhằm phản tỉnh giới nghiên cứu và người dân nước này.

Ngày 14/6/2012, tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc của Trung Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo về “Biển Đông và chủ quyền của các quốc gia”. Học giả Lý Lệnh Hoa được mời tham gia hội thảo.

Dưới đây là phát biểu của học giả Lý Lệnh Hoa tại cuộc hội thảo này, được đưa lên mạng Sina.com:

“Với tư cách là học giả đã nghiên cứu nhiều năm vấn đề ranh giới biển quốc tế, hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng mọi người bàn bạc vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông). Hiện nay nhiều học giả trong nước vẫn khẳng định “Đường 9 đoạn” hay là “Đường chữ U”, “Đường lưỡi bò” là đường biên giới ở Nam Hải theo yêu sách của Trung Quốc. Nhưng từ xưa đến nay, đường biên giới trên bộ hay trên biển của toàn thế giới chưa bao giờ có một đường nào là đường đứt đoạn.

Tháng trước, khi giảng bài cho các nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu biển và biên giới Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, tôi có nói rằng căn cứ pháp luật đích thực phải là "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển" (UNCLOS) năm 1982. Nước ta đã ký và phê chuẩn Công ước này.

“Đường 9 đoạn” chiếm tới hơn 80% diện tích vùng nước Nam Hải. Đường cơ bản (cơ tuyến) của quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa), cấu tạo bởi 28 điểm gốc, được các chuyên gia Cục Hải dương và một số đơn vị khác (của Trung Quốc) cùng nhau vẽ nên trước năm 1995. Nó gồm có nhiều bãi đá nhỏ với diện tích vùng nước rộng tới khoảng hơn 12.000 dặm biển vuông. Sau khi được công bố, nó đã bị các Chính phủ Việt Nam và Philippinnes phản đối và phê phán. Việc xác định 28 điểm gốc này vốn đã có rất nhiều chỗ không chuẩn xác, cũng không đạt yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật. Hiện nay Trung Quốc vẫn cứ muốn làm kiểu hoạch định mập mờ như thế ở quần đảo Nam Sa (mà Việt Nam gọi là Trường Sa).

Các quốc gia liên quan phải thống nhất về lý luận vạch biên giới biển và về phương pháp kỹ thuật, lấy cơ sở là các nguyên tắc quốc tế thông dụng hiện nay về cấu hình và độ dài bờ biển cũng như nguyên tắc tỷ lệ... Đã ký UNCLOS thì bất cứ quốc gia nào cũng phải chịu sự ràng buộc của công ước đó. Tất cả đều phải xử lý theo tinh thần của Công ước.

Khi hoạch định ranh giới biển, chúng ta cần phải tiến hành theo tinh thần UNCLOS và quy tắc quốc tế, chứ không thể nói căn cứ theo cái gọi là nhân tố lịch sử, nước giàu nước nghèo, nước lớn nước nhỏ, người đông hay người ít một cách hồ đồ được... Những yếu tố đó đều không phải là căn cứ để hoạch định biên giới.

Tôi cho rằng nếu căn cứ vào UNCLOS mà làm thì nhân dân các nước ven bờ Nam Hải và nhân dân Trung Quốc đều có thể phát triển nghề cá và khai thác tài nguyên đáy biển. Khi kinh tế các nước láng giềng phát triển thì chúng ta cũng được hưởng lợi. Để đứng trên góc độ toàn nhân loại mà xem xét vấn đề thì chúng ta cần có quan điểm toàn cục, cần tiến lên cùng thời đại”.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn