1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Học giả Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA về Biển Đông

Học giả Ấn Độ khẳng định quốc tế cần đấu tranh để buộc Trung Quốc tôn trọng UNCLOS và phán quyết của tòa quốc tế PCA về Biển Đông.

Chuyên gia an ninh hàng đầu của Ấn Độ, Pradhan, mới đây có bài viết khẳng định ý nghĩa của phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường 9 đoạn” hồi năm 2016. Bài viết của ông đăng trên tờ Times of India (Thời báo Ấn Độ). Dưới đây là phần lược dịch:

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý của cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” (tên gọi khác của “đường 9 đoạn”).

Học giả Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA về Biển Đông - 1

Tòa trọng tài ở La Hay tổ chức tranh tụng kín từ ngày 7-13/7/2015 cho vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến yêu sách phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông (phán quyết của tòa thì đến ngày 12/7/2016 mới được đưa ra). Ảnh: PCA.

Như vậy đến nay, phán quyết đã tồn tại được 4 năm. Phán quyết này là một quyết định lịch sử dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Phán quyết có 4 khía cạnh quan trọng.

Thứ nhất, phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng biển bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” do họ vạch ra trên Biển Đông. Phán quyết nêu rõ rằng UNCLOS điều chỉnh toàn diện các quyền tương ứng của các bên đối với các vùng biển bên trong Biển Đông và rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông là không có hiệu lực.

Thứ hai, phán quyết làm rõ định nghĩa về các “đảo”. Đảo theo nghĩa pháp lý phải có một cộng đồng dân cư ổn định hoặc có đời sống kinh tế độc lập. Nếu không đáp ứng được tiêu chí này thì các “đảo” sẽ chỉ được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh dựa trên UNCLOS mà cả Trung Quốc và Philippines đều là bên ký kết.

Thứ ba, Tòa trọng tài quốc tế PCA nói trên cũng phản đối các hoạt động của Trung Quốc “cải tạo đất đai” trên các thực thể giữa biển và cho rằng điều này “gây hại nghiêm trọng cho các rạn san hô”.

Thứ tư, Tòa khẳng định Trung Quốc đã vi phạm quyền của Philippines khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012…

Bắc Kinh đã chỉ trích dữ dội phán quyết của tòa án quốc tế nói trên và phản ứng của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải sững sờ. Trung Quốc cho rằng phán quyết của tòa là vô giá trị và không có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc.

Cộng đồng quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc chấp nhận phán quyết đó.

Phản ứng của Trung Quốc trái ngược hẳn với việc Ấn Độ chấp nhận một vụ dàn xếp tranh chấp tương tự bằng tòa trọng tài giữa Ấn Độ và Bangladesh cách đây 2 năm ngay cả khi phán quyết đó có lợi cho nước láng giềng nhỏ hơn (Bangladesh).

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, Abraham Denmark, đã kêu gọi Trung Quốc học tập tấm gương của Ấn Độ trong giải quyết tranh chấp biên giới trên biển với Bangladesh bằng cách chấp nhận phán quyết của một tòa do PCA chỉ định.

Ấn Độ và Nhật Bản cũng gợi ý Trung Quốc nên chấp nhận phán quyết vào tháng 7/2016 về Biển Đông.

Tuy nhiên Trung Quốc đã nổi đóa và cho rằng không thể so sánh 2 vụ việc với nhau. Điều này cho thấy thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc trong vấn đề này.

Trung Quốc đã liên tục từ chối chấp nhận phán quyết PCA ngày 12/7/2016 suốt từ đó đến nay. Hễ khi nào phán quyết được đề cập, Trung Quốc lại cực lực phản đối. Không những vậy, Trung Quốc còn dụ dỗ hoặc cưỡng ép các bên không đưa vấn đề này ra.

Bắc Kinh đã áp dụng một số thủ đoạn (phi pháp) để kiểm soát Biển Đông, như xây dựng luật và các đơn vị hành chính cho các vùng mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền, mở rộng các thực thể họ chiếm đóng bằng hoạt động bồi đắp, quân sự hóa, thực hiện tuần tra một cách hung hăng để răn đe các nước khác, thậm chí còn quấy rối ngư dân ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác…

Thái độ hung hăng đó của Trung Quốc được phản ánh ngày càng rõ trên thực địa. Vào ngày 3/4/2020, một tàu cá Việt Nam với 8 thuyền viên đã bị tàu Trung Quốc làm đắm. Khi 2 tàu đánh cá khác của Việt Nam tiến lại để cứu các ngư dân kia thì họ cũng bị bắt giữ. Trước đó, tàu Trung Quốc cũng xâm nhập vào gần quần đảo Natuna tạo ra thế đối đầu giữa Trung Quốc và Indonesia. Căng thẳng cũng xảy ra trên biển giữa Trung Quốc và Malaysia.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn dùng sức mạnh kinh tế để thuyết phục một số nước ngừng kháng cự Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Dù Trung Quốc bất chấp tất cả, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế 2016 vẫn là một điều mạnh mẽ và rõ ràng. Phán quyết đó đã làm suy yếu đáng kể lập luận của Trung Quốc và củng cố tiếng nói của các bên đưa ra yêu sách dựa trên cơ sở pháp lý. Phán quyết đó đồng thời biện minh cho quan điểm của các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Australia, và Ấn Độ cũng như các nước khác có tàu bè đi qua Biển Đông.

Đường 9 đoạn đã bị tuyên bố là phi pháp. Bằng việc phớt lờ phán quyết PCA 2016, Trung Quốc đang làm suy yếu một tổ chức quốc tế và các thông lệ quốc tế.

Nhiều nước (trong đó có Indonesia, Malaysia, và Mỹ) đã tiếp cận Liên Hợp Quốc để hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết nói trên. Philippines cũng chỉ trích việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Không những vậy Philippines còn ngừng việc chấm dứt thỏa thuận của họ với Mỹ về các lực lượng Mỹ ghé thăm Philippines trước các diễn biến mới trong khu vực…

Theo Trung Hiếu

VOV