1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hoàng quý phi Thái Lan sẽ ra sao sau khi bị thất sủng

(Dân trí) - Là Hoàng quý phi Thái Lan đầu tiên trong gần một thế kỷ được sắc phong chính thức, bà Sineenat Wongvajirapakdi nhanh chóng bị thất sủng, bị hủy bỏ mọi tước vị, quân hàm.

Hoàng quý phi Thái Lan sẽ ra sao sau khi bị thất sủng - 1
Bà Sineenat được phong làm Hoàng quý phi hồi tháng 7/2019. (Ảnh: Reuters)

Thất sủng vì tội “bất trung”

Trong một động thái gây bất ngờ, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn hôm 21/10 đã tước mọi tước vị và quân hàm của Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi vì tội "bất trung", không tôn trọng tước vị được sắc phong và âm mưu lật đổ Hoàng hậu Suthida.

Nói về việc hủy mọi tước vị, quân hàm với Hoàng quý phi Sineenat chỉ vài tháng sau sắc phong, Hoàng gia Thái Lan cho biết trong một thông cáo phát đi ngày 22/10 rằng, bà Sineenat đã "thể hiện sự phản kháng và gây áp lực bằng mọi cách để ngăn chặn việc phong tước Hoàng hậu" trước lễ đăng quang vào tháng 5. Thông cáo cho biết, bà Sineenat rất "tham vọng" và đã tìm cách "đưa mình lên ngang tầm hoàng hậu", lạm dụng quyền lực để đưa ra các mệnh lệnh thay mặt quốc vương.

Bà Sineenat Wongvajirapakdi được phong Hoàng quý phi vào tháng 7/2019, chỉ hai tháng sau khi nhà vua kết hôn với Hoàng hậu Suthida, người vợ thứ tư của ông. Bà Sineenat, 34 tuổi, thiếu tướng và là một phi công, y tá, và vệ sĩ, là người đầu tiên được trao tước hiệu hiệu Hoàng quý phi trong gần một thế kỷ. Trước bà Wongvajirapakdi, lần gần đây nhất một nhà vua Thái Lan sắc phong tước hiệu hoàng quý phi là vào những năm 1920.

Tamara Loos, giáo sư sử học và nghiên cứu châu Á tại Đại học Cornell, cho biết trong lịch sử, quốc vương Thái Lan thường có nhiều vợ để củng cố quyền lực ở các khu vực khác nhau ở đất nước.

Con đường từ vệ sĩ đến Hoàng quý phi bị thất sủng

Hoàng quý phi Thái Lan sẽ ra sao sau khi bị thất sủng - 2
Bà Sineenat từng phục vụ trong đội cận vệ hoàng gia Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Thông tin về bà Sineenat rất ít ngoại trừ tiểu sử của bà được Hoàng gia Thái Lan công bố. Theo thông tin tiểu sử đăng trên trang chủ của Hoàng gia Thái Lan trước đó, Tướng Sineenat Wongvajirapakdi sinh năm 1985 ở tỉnh Nan, miền bắc Thái Lan.

Bà tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng quân đội Thái Lan năm 2008 và đã hoàn tất các khóa học quân sự và được đào tạo trở thành phi công. Bà từng là một vệ sĩ, phi công, lính dù và sau đó tham gia vào lực lượng cận vệ hoàng gia. Bà được phong thiếu tướng hồi đầu năm nay. Sau khi bà Sineenat được sắc phong tước hiệu vào tháng 7, chỉ 2 tháng sau khi Quốc vương kết hôn với người vợ thứ tư, bà Suthida Tidjai, người được phong hậu hồi tháng 5.

Thời điểm đó, Hoàng gia Thái Lan đã công bố những hình ảnh của Quốc vương Vajiralongkorn và bà Sineenat cùng với các bức ảnh bà lái máy bay chiến đấu, sử dụng thiết bị quân sự.

Tương lai nào cho Hoàng quý phi thất sủng?

Hoàng quý phi Thái Lan sẽ ra sao sau khi bị thất sủng - 3
Hoàng quý phi Thái Lan bị phế truất Sineenat Wongvajirapakdi (Ảnh: Getty)

Sau khi bị tước vị, mối quan hệ giữa bà Sineenat Wongvajirapakdi với Hoàng gia Thái Lan sẽ là một ẩn số, thông tin về tương lai của bà dường như phụ thuộc hoàn toàn vào những gì Hoàng gia muốn chia sẻ với công chúng.

Pavin Chachavalpongpun, Phó giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Kyoto, bình luận: "Chúng ta chỉ biết về quá khứ của bà ấy với những gì mà Hoàng gia Thái Lan muốn chúng ta biết".

Đến nay, Hoàng quý phi Sineennat bị thất sủng mới chỉ bị tước bỏ các tước vị và quân hàm, song chưa rõ số phận của bà sẽ ra sao. "Chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo với bà ấy. Quá khứ của bà ấy bị hoàng gia kiểm soát bao nhiêu thì tương lai của bà ấy cũng có thể sẽ như thế", Phó giáo sư Pavin bình luận.

Việc Hoàng quý phi Sineenat bị phế truất tương tự những gì đã xảy ra với hai người vợ trước của Quốc vương Vajiralongkorn. Năm 1996, ông đã tố cáo người vợ thứ hai của mình. Năm 2014, người vợ thứ ba của ông, bà Srirasmi Suwadee, cũng bị tước bỏ tất cả các tước hiệu và bị trục xuất khỏi hoàng gia. Những người vợ trước của Quốc vương Vajiralongkorn đều không đưa ra bất cứ phát ngôn nào về việc họ bị thất sủng.

Nhà viết sách Andrew MacGregor Marshall nhận định, việc sắc phong tước vị Hoàng quý phi chính thức lần đầu tiên trong gần 1 thế kỷ và tước bỏ chỉ sau 3 tháng, Quốc vương Vajiralongkorn muốn truyền đi một thông điệp về quyền lực hoàng gia.

“Quốc vương đang gửi đi nhiều thông điệp hơn là việc phế truất một hoàng quý phi. Ông ấy tạo ấn tượng rằng mình không thể bị xâm phạm… Mỗi động thái của quốc vương, kể cả trong kinh tế, quân sự, gia tộc, đều cho thấy sức mạnh quyền lực”, giáo sư Tamara Loos cũng có nhận định tương tự.

Minh Phương

Theo BBC, Independent