1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hỏa lực Nga ở Syria

Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300 có tầm hoạt động gây kinh ngạc đối với mọi vật thể bay

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper gần đây nhận định nếu như khu vực cấm bay được thiết lập trên bầu trời Syria, Nga có thể bắn hạ máy bay Mỹ trong trường hợp các lực lượng nước này cảm thấy bị đe dọa.

Washington e ngại

Ông Clapper khẳng định Nga đã triển khai hệ thống phòng không rất mạnh và tiên tiến ở Syria, đồng thời chắc chắn người Nga đã đặt ra mục đích khi thực hiện điều đó. Báo The Washington Post dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng Mỹ phải xem xét lại chiến lược của mình tại Syria do Nga đã triển khai hệ thống phòng không ở đây.

Lầu Năm Góc không khỏi e ngại trước hệ thống phòng không tiên tiến của Nga ở Syria Ảnh: VETERANS TODAY
Lầu Năm Góc không khỏi e ngại trước hệ thống phòng không tiên tiến của Nga ở Syria Ảnh: VETERANS TODAY

“Việc Nga hoàn tất triển khai hệ thống phòng không ở Syria khiến quyết định của chính quyền Tổng thống Barack Obama thực hiện các cuộc không kích những cơ sở của chính phủ Syria trở nên kém khả thi hơn mấy năm gần đây” - tờ báo viết.

Suốt hơn 2 năm, Syria đã im lặng đồng ý cho Mỹ ném bom xuống những phần lãnh thổ bị phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ. Mới mùa thu trước đây thôi, Moscow và Washington đã thỏa thuận để máy bay Nga và Mỹ hoạt động ở Syria giữ khoảng cách cần thiết.

Thế nhưng, chiến dịch tấn công TP Aleppo của quân đội Syria dưới sự yểm trợ của không quân Nga cũng như thất bại trên mặt trận ngoại giao về giải quyết xung đột ở Syria đã buộc chính quyền Mỹ xem lại các phương án hành động của mình, trong đó có ý định không kích lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.

The Washington Post nhận xét hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400 giúp Nga có khả năng bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình trong khoảng cách 400 km ở mọi hướng - nghĩa là gần như khắp lãnh thổ Syria cũng như một phần Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan và mạn Đông Địa Trung Hải.

Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo “các nhà chiến lược ở Washington” rằng S-400 và S-300 - với tầm hoạt động gây kinh ngạc đối với mọi vật thể bay - có nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ quân sự Nga ở Hmeymim và Tartus.

Như thế, người Nga đã áp dụng các biện pháp để “không cho phép” những vụ tấn công “nhầm” vào binh sĩ nước này từ phía Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Hòa giải dân tộc Syria Ali Haider tuyên bố những vụ không kích của Mỹ nhằm vào các mục tiêu quân sự Syria sẽ là mối đe dọa đối với binh sĩ Nga trú đóng ở đây.

Động thái bất ngờ của Nga đã khiến Washington tranh cãi về phương cách đối phó. Một quan chức Mỹ cho rằng người Nga đang nhắm đến mục đích không cho máy bay Mỹ bay ở những nơi nhất định trên bầu trời Syria và Washington dường như đã đồng ý với “các luật chơi của họ”.

Sức mạnh bí ẩn

Một số chuyên gia quân sự Mỹ vẫn tranh cãi về tính hiệu quả của các tổ hợp phòng không Nga. Thế nhưng, tất cả đều thống nhất rằng chính việc chúng được triển khai trên đất Syria khiến người Mỹ lo lắng. “Chúng tôi không chắc có máy bay nào của mình có thể đương đầu được với S-300 hay không” - một quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow quyết định triển khai tổ hợp S-300 ở Syria sau khi có tin Mỹ có ý định phóng tên lửa hành trình xuống các sân bay Syria. Trả lời phỏng vấn kênh Dozhd, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “S-400 có ở Syria đã lâu và mọi người vẫn giữ thái độ bình thường, chẳng ai nói đó là sự phô trương. Còn S-300 xuất hiện sau khi rò rỉ thông tin người ta có thể phóng tên lửa hành trình xuống các sân bay Syria”.

Phó Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga phụ trách hệ thống phòng không phối hợp các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập), trung tướng Aitech Bizhev, cũng xác nhận tổ hợp S-300 VM2 được triển khai ở Syria nhằm tiêu diệt tên lửa hành trình.

“Tôi không nghĩ rằng không quân của đối phương có phi đội cảm tử Kamikaze. Mọi đối tượng đều bị phát hiện khi ở cách xa 600-700 km. Mỗi mục tiêu đều có 2 tên lửa nghênh đón dù chỉ 1 là đủ. Tên lửa phòng không của chúng ta có thể tiêu diệt mọi mục tiêu đang chuyển động trên không với bất cứ tốc độ nào” - ông Bizhev tiết lộ với báo Vzglyad.

Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định các hệ thống phòng không của Nga có khả năng bảo đảm an toàn cho những căn cứ quân sự ở Syria. Theo ông, chỉ những kẻ nghiệp dư mới ảo tưởng rằng máy bay tàng hình có thể tránh được S-300.

Ông Sergei Denisentsev - chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ - cho biết để tiêu diệt được tổ hợp tên lửa phòng không Nga, cần phải có ít nhất 1 phi đội và 10 loạt phóng tên lửa. “Tôi muốn nói đến một chiến dịch lớn, trong bất cứ trường hợp nào” - ông nhấn mạnh, đồng thời nhận xét sự hiện diện của hệ thống tên lửa phòng không Nga sẽ cho phép các lực lượng nước này kiểm soát được không phận Syria.

Theo báo Vzglyad, động thái trên có ý nghĩa chính trị rất lớn. Trước đây, Nga đã nhiều lần bị cáo buộc thực hiện các vụ không kích nhằm vào những mục tiêu dân sự. Tuy nhiên, giờ đây, với hệ thống phòng không tiên tiến, người Nga có thể trưng ra dữ liệu chứng minh sự vô can của họ.

“Ở đây, chúng tôi không nói đến chuyện sử dụng phương cách cực đoan để giúp căn cứ của mình ở Syria không bị tổn hại mà là nói về việc ngăn chặn tình huống tình cờ, giảm khả năng xảy ra hành động khiêu khích” - ông Denisentsev giải thích.

Phương Tây mù mờ

Báo Đức Stern bày tỏ lo ngại rằng đến nay, không ai ở phương Tây có thể biết các hệ thống S-300 và S-400 có tầm tàn phá rộng đến mức nào. Theo Stern, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ra lệnh bao phủ không phận Syria bằng “mái vòm hệ thống phòng không” vào bất cứ lúc nào, đồng thời cho rằng người Nga “cười nhạo” các máy bay chiến đấu được trang bị công nghệ tàng hình của Mỹ. Cụ thể, các loại chiến đấu cơ như F-18, Eurofighter Typhoon hay Tornado của phương Tây đều không có khả năng đối phó “mái vòm phòng không” của Nga.

(Kỳ tới: Bất ngờ với tàu chiến Nga)

Theo Ngô Sinh

Người Lao động