1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hình ảnh tranh cãi về tuyên bố bắn hạ 71 tên lửa Mỹ của Syria

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về tuyên bố của Syria rằng 71/105 quả tên lửa của Mỹ đã bị bắn hạ trong cuộc không kích vào sáng 14/4 sau khi phân tích những bức ảnh do truyền thông công bố.

Tên lửa rực sáng bầu trời Syria sau lệnh tấn công của Tổng thống Trump

Tuyên bố mâu thuẫn

Bức ảnh được cho là chụp khoảnh khắc hệ thống phòng không Syria phóng tên lửa đánh chặn trên bầu trời Damascus (Ảnh: AP)
Bức ảnh được cho là chụp khoảnh khắc hệ thống phòng không Syria phóng tên lửa đánh chặn trên bầu trời Damascus (Ảnh: AP)

Vào sáng ngày 14/4, các tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã đồng loạt nã tổng cộng 105 tên lửa vào 3 mục tiêu bị nghi là cơ sở hóa học tại Syria. Ngay sau cuộc không kích, phía Nga cho biết Không quân Syria đã bắn hạ thành công 71 tên lửa hành trình, tương đương 70% số tên lửa liên quân dội xuống Syria.

Trong khi đó, liên quân khẳng định cuộc tấn công đã “thành công hoàn hảo”. Mỹ cũng tuyên bố tất cả tên lửa của liên quân đều bắn trúng mục tiêu tại Syria và các hình ảnh vệ tinh được công bố sau cuộc không kích cũng cho thấy các mục tiêu tại Syria bị tàn phá nặng nề.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Không quân Syria đã phải dùng tới 112 tên lửa đất đối không để đánh chặn hầu hết tên lửa của liên quân. Hệ thống phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất, và các hệ thống S-125, S-200, Buk, Kvadrat, Osa do Liên Xô sản xuất đã giúp Syria đánh chặn tổng cộng 71 tên lửa.

Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, xác nhận hệ thống phòng không của Nga hoàn toàn “im hơi lặng tiếng” trong cuộc không kích lần này của liên quân. Theo ông Dunford, phản ứng duy nhất mà Mỹ và các đồng minh nhận được là các tên lửa đất đối không do quân đội Syria phóng sau khi cuộc không kích đã chấm dứt, và đương nhiên là không có tác dụng.

Phía Mỹ cho rằng việc Syria phóng tên lửa sau cuộc không kích của liên quân có lẽ là nỗ lực để giữ thể diện của Damascus. Washington khẳng định hệ thống phòng không của Syria không những không phát hiện được tên lửa đang bay tới mà còn không đánh chặn được bất kỳ tên lửa nào của liên quân.

“Hầu hết các lần phóng tên lửa (của Syria) đều diễn ra sau khi cuộc không kích của chúng tôi kết thúc. Khi bạn phóng một thanh sắt lên trời mà không có hệ thống dẫn đường, đương nhiên nó sẽ phải rơi xuống đất”, Trung tướng Thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, cho biết.

Giải mã hình ảnh

Đường bay gấp khúc của tên lửa được cho là do liên quân Mỹ, Anh, Pháp phóng nhằm vào các mục tiêu tại Syria (Ảnh: AP)
Đường bay gấp khúc của tên lửa được cho là do liên quân Mỹ, Anh, Pháp phóng nhằm vào các mục tiêu tại Syria (Ảnh: AP)

Sau khi phân tích một số bức ảnh do truyền thông công bố về cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp, các chuyên gia nhận định rằng tên lửa của Syria dường như không được phóng theo đúng hướng để có thể đánh chặn tên lửa hành trình của đối phương. Do vậy, tuyên bố bắn hạ thành công 71 tên lửa của Syria bị đặt câu hỏi nghi vấn.

Bức ảnh chụp khoảnh khắc lực lượng phòng không Syria đánh chặn tên lửa của liên quân trên bầu trời thủ đô Damascus cho thấy một vệt sáng mượt mà và gần như theo đường thẳng, thể hiện đường bay của tên lửa.

“Quỹ đạo mà tôi nhìn thấy từ bức ảnh được cho là chụp tên lửa đất đối không của Syria không giống như những gì tôi nghĩ về quỹ đạo của loại tên lửa phòng không thực sự dùng để đánh chặn tên lửa hành trình tầm thấp. Tôi không tin những tuyên bố đánh chặn của Nga/Syria”, Justin Bronk chuyên gia về về tác chiến trên không thuộc Viện Quân sự Thống nhất Hoàng gia, nói với Business Insider.

Thông thường, một tên lửa đánh chặn sẽ không bay theo đường thẳng, thay vào đó là quỹ đạo theo đường gấp khúc và chuyển động liên tục để phát hiện và tấn công các tên lửa mục tiêu. Do vậy, chỉ khi hệ thống phòng không Syria phóng tên lửa đánh chặn sau khi cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp kết thúc, chúng mới bay theo kiểu đường thẳng, không bị cản trở và dường như không có mục tiêu để tìm diệt như vậy.

Trong khi đó, nếu so sánh với một bức ảnh khác chụp các tên lửa hành trình của Mỹ và các đồng minh trên bầu trời Syria, người xem có thể thấy đường di chuyển gấp khúc của chúng khi tìm mục tiêu tấn công. Theo đó, nếu một tên lửa của Syria muốn đánh chặn tên lửa hành trình này, chúng cũng sẽ phải di chuyển linh hoạt và đổi hướng liên tục như vậy.

Thành Đạt

Theo BI