Hiệp ước Đối tác và Thân thiện - bước ngoặt quan hệ Mỹ-ASEAN
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ký Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC) bước ngoặt với các nước ASEAN trong một động thái khẳng định Mỹ mong muốn trở lại châu Á và đóng một vai trò an ninh - chiến lược lớn hơn ở khu vực này.
Các nhà ngoại giao khu vực mô tả hành động này như một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Mỹ đối với hòa bình và an ninh trong khu vực, là dấu ấn khẳng định Mỹ đang trở lại châu Á.
Mỹ đã trở thành nước không thuộc ASEAN thứ 16 ký TAC kể từ năm 1976. Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành các đối tác tham gia TAC tiếp theo. Ký hiệp ước này, Mỹ sẽ được mở đường tham gia vào hội nghị thượng đỉnh Đông Á, bao gồm 10 nước ASEAN, cùng với các đối tác thương mại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia.
Chính sách ngoại giao của Obama chuyển hướng
Việc nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tham dự ARF là một hành động nhằm khôi phục lại sự quan tâm của Mỹ đối với Đông Nam Á, khu vực bao gồm nhiều nhà xuất khẩu lớn với tổng số dân 570 triệu người và một đất nước Hồi giáo đông nhất thế giới. Bà Clinton một lần nữa mang tới thông điệp nghiêm túc và rõ ràng về các ý định của Mỹ: đã đến lúc phải chứng tỏ với các nước châu Á là Mỹ không vì các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan mà xao lãng khu vực này.
Điểm nhấn trong hành động này là TAC – được báo giới Thái Lan cho là đánh dấu sự kết thúc "mối quan hệ có bản chất nóng lạnh" giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm châu Á lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 2, bà Hillary Clinton đã thể hiện thái độ “thân mật” trái ngược với trước đây, thông qua sự cởi mở trong quan điểm và thái độ sẵn sàng hợp tác. Hillary được xem là đã thành công trong việc thuyết phục châu Á nhìn vào một “nước Mỹ mới”.
Có mặt ở Thái Lan ngày 22/7 trong chuyến thăm thứ hai tới châu Á với tư cách ngoại trưởng Mỹ, trước khi đặt bút ký TAC, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tuyên bố: “Tôi muốn gửi đến một thông điệp rất rõ ràng là nước Mỹ đã trở lại, và chúng tôi cam kết hoàn toàn về các mối quan hệ của chúng tôi ở Đông Nam Á”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Chính quyền Obama chắc chắn muốn được nhìn nhận như một đối tác có sự hiểu biết hơn trong khu vực và sẽ thảo luận các vấn đề nhạy cảm một cách tế nhị hơn. Mỹ có ý định mở rộng và tăng cường các quan hệ đối tại khu vực. Tất nhiên, sẽ có nhiều vấn đề Mỹ cần phải giải quyết, nhất là chủ đề kinh tế và những quan ngại về an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Đến châu Á lần này, bà Clinton cũng nhấn mạnh Washington sẵn sàng nâng cấp bảo vệ cho các đối tác ở Đông Nam Á. Mỹ vốn đã có quan hệ lâu đời với một số nước Đông Nam Á. Quân đội Mỹ hiện đang ở Philippins để giúp huấn luyện cho quân đội địa phương trong nỗ lực nhằm loại bỏ tận gốc các nhóm khủng bố có mối liên hệ với al-Qaeda. Mỹ cũng đang giúp đỡ huấn luyện và trang bị cho lực lượng chống khủng bố của Indonesia, lực lượng đang truy lùng kẻ đứng đằng sau vụ đánh bom làm 9 người thiệt mạng tại Jakarta hôm 17/7 vừa qua.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và ASEAN là 178 tỷ, trong khi đầu tư vào khu vực này vào khoảng 100 tỷ USD. Trong khi đó, phát biểu tại Bangkok vừa qua, bà Clinton đã nhấn mạnh rằng mối quan hệ kinh tế giữa hai bên chưa bao giờ có sự phụ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ như hiện nay.
Nguyễn Viết
Tổng hợp