Hệ quả khi các nước không “mặn mà” với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc
(Dân trí) - Các dự án đầu tư của các công ty Trung Quốc tại nước ngoài được dự đoán sẽ chậm lại trong những năm tới do lo ngại về những rủi ro trên toàn thế giới.
Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service, tăng trưởng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại, thậm chí sụt giảm trong vài năm tới, trong bối cảnh các rủi ro về địa chính trị và kinh tế trên toàn thế giới đang gia tăng.
Trong báo cáo được công bố hồi tuần trước, Moody cho biết các công ty hạ tầng của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ lựa chọn kỹ lưỡng hơn khi đầu tư vào các dự án ở nước ngoài.
“Các khoản đầu tư nước ngoài sẽ vẫn được duy trì ở mức độ cố định, tuy nhiên các công ty sẽ có cách tiếp cận cẩn trọng hơn đối với các khoản đầu tư này, đặc biệt tại các thị trường mới nổi và thị trường gần biên giới (Trung Quốc), báo cáo của Moody nhận định.
Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do “nhận thức” về các rủi ro từ các khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc “tăng lên”.
“Nhận thức này bắt nguồn từ các bài học, đôi khi là những bài học đắt giá, mà các công ty rút ra được từ việc mở rộng nhanh chóng lĩnh vực hoạt động của họ tại các thị trường mới nổi hoặc thị trường gần biên giới (Trung Quốc) trong những năm qua”, báo cáo nêu rõ.
Trong nhiều năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã tăng mạnh. Làn sóng đầu tư này được thúc đẩy bởi các chương trình chính sách của chính phủ như Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chính sách đối ngoại trọng điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng, thông qua việc rót vốn hoặc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trên toàn thế giới, chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Siêu dự án này ra đời nhằm kết nối hơn 60 quốc gia trên toàn châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông thông qua các tuyến đường biển và đường bộ.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tăng 49,3% trong năm 2016, và giảm liên tiếp trong 2 năm sau đó. Moody dẫn số liệu từ chính phủ Trung Quốc cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước này giảm 23% trong năm 2017 và 13,6% trong năm 2018 so với thời điểm trước đó.
Lý do đầu tư nước ngoài của Trung Quốc sụt giảm
Sau khi lên đến đỉnh cao vào năm 2016, tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc bắt đầu chững lại do các biện pháp kiểm soát quy chuẩn và điều kiện thanh khoản chặt chẽ hơn tại Trung Quốc.
“Chúng tôi tin rằng sự sụt giảm trong năm 2018 đã phản ánh làn sóng rút lui của các công ty cơ sở hạ tầng, do những rắc rối mà họ gặp phải từ các khoản đầu tư trong những năm trước đó, đặc biệt tại các thị trường mới nổi của Vành đai và Con đường. Ngày càng xuất hiện nhiều sự thay đổi khó đoán trong lập trường của các chính phủ nước ngoài đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt khi các cuộc bầu cử tại các nước dẫn tới sự thay đổi về ban lãnh đạo”, báo cáo của Moody cho biết.
Trong những năm gần đây, các nước như Pakistan, Malaysia và Sierra Leone đã tạm dừng hoặc hủy bỏ các cam kết được lên kế hoạch từ trước với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc do nhiều nguyên nhân, bao gồm sự thay đổi về chính trị và sự phản đối từ các cộng đồng địa phương.
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng “ảnh hưởng tới lập trường của các nước khác đối với các khoản đầu tư từ các công ty Trung Quốc, cũng như lập trường của các công ty Trung Quốc đối với các khoản đầu tư tại nước ngoài”.
Ada Li, chuyên gia cấp cao tại Moody, dự đoán các dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường có thể sẽ tiếp tục trì hoãn trong những năm tới, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 chỉ tăng 0,1% so với năm trước đó.
Ngoài ra, các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, vốn tham gia vào các dự án như Vành đai và Con đường, cũng đang chuyển trọng tâm đầu tư từ các thị trường nước ngoài về thị trường trong nước.
“Cách này giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% lên 6,5%”, chuyên gia Li nhận định.
Tuy vậy, báo cáo của Moody nhận định các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở nước ngoài vẫn được duy trì ở mức độ nhất định, và các doanh nghiệp cũng đang có những bước đi để xoa dịu những lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài.
“Bất chấp những rủi ro, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn mang lại các lợi ích về chiến lược và tài chính cho các công ty Trung Quốc, đồng thời mang lại lợi ích cho chính phủ và nền kinh tế Trung Quốc. Những lợi ích này bao gồm việc nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc, mở rộng sự tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với tài nguyên thiên nhiên và tầm nhìn công nghiệp, đa dạng hóa các thị trường và nguồn thu của Trung Quốc”, báo cáo nhận định.
Thành Đạt
Theo CNBC