Hệ lụy việc Trung Quốc để mất niềm tin của ASEAN
(Dân trí) - Nếu để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng...
Những việc làm này của Trung Quốc đang đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao của nước này từ đầu năm 2013 nhằm củng cố quan hệ ASEAN - Trung Quốc, lấy lại lòng tin trong khu vực bằng những cử chỉ ngoại giao thân thiện, lời hứa kiềm chế và hợp tác cùng có lợi. Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chọn thăm ASEAN trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong cương vị Ngoại trưởng vào tháng 5/2013 đã làm ASEAN dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cao nhất cho ngoại giao láng giềng và coi ASEAN là đối tác chiến lược quan trọng.
Vì vậy, ASEAN đã thực sự vui mừng đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Đông Nam Á vào tháng 10/2013. ASEAN rất kỳ vọng vào những đề xuất của Bắc Kinh về tương lai khu vực. ASEAN hoan nghênh phát biểu lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Quốc hội Indonesia khi ông nói rằng ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng "lòng tin và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt" và "giữ vững đoàn kết cả khi đói cũng như khi no".
ASEAN tiếp tục vui mừng khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất đưa quan hệ ASEAN- Trung Quốc từ "thập kỷ vàng" sang "thập kỷ kim cương" bằng việc ký hết Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị tốt và Hợp tác tốt tại Lễ kỷ niệm mười năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Trung Quốc còn chỉ ra rằng sáng kiến xây dựng "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI" lấy cảm hứng từ những chuyến du hành hòa bình của Đô đốc Trịnh Hòa đến Đông Nam Á từ thế kỷ XV, nhằm mục đích phát triển thương mại và mở rộng ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa chứ không nhằm mở rộng lãnh thổ.
Với những tuyên bố như vậy, ASEAN rất hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi cách tiếp cận về các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã kỳ vọng "Giấc mơ Trung Hoa" cũng có thể trở thành "Giấc mơ Đông Nam Á".
ASEAN đã tranh thủ mọi cơ hội để đáp lại thiện chí của Trung Quốc. ASEAN nhanh chóng “ghi nhận và đánh giá cao” đề xuất của Trung Quốc về Hiệp ước “3 tốt”, nhất trí xây dựng Đối tác hợp tác hàng hải ASEAN – Trung Quốc, nhất trí thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố DOC, đồng thời tích cực đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin. ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu tham vấn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và đã đạt một số tiến triển.
Nhờ sự kiềm chế và nỗ lực nói trên, sau nhiều năm, tình hình Biển Đông đã lắng dịu hơn phần nào, số sự vụ xảy ra ít hơn, mặc dù vẫn có việc tỉnh Hải Nam ban hành quy chế đánh bắt cá mới và khả năng Trung Quốc xác lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Chính vì vậy, việc Trung Quốc đưa giàn khoan lớn nhất vào vùng biển Việt Nam, đe dọa Việt Nam bằng cả tàu quân sự và bán quân sự, và từ chối đàm phán giải quyết tranh chấp với Việt Nam đã thực sự gây sốc với ASEAN và cộng đồng quốc tế. Đây là việc làm có chủ ý và tính toán kỹ từ Bắc Kinh, vì có sự phối hợp rất đồng bộ của nhiều lực lượng và địa phương khác nhau. Những hành động này đã đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, trái với luật pháp quốc tế và những cam kết của Bắc Kinh về việc thực thi đầy đủ DOC. Hơn nữa, cũng hoàn toàn trái ngược với những động thái thân thiện của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN từ đầu năm 2013.
Những hành động gây hấn đó đã chứng tỏ Trung Quốc không còn muốn giữ nguyên trạng mà đang tích cực thiết lập một trật tự bá quyền Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo Bắc Kinh cần tự hỏi họ muốn Trung Quốc trở thành cường quốc kiểu gì? Liệu việc tự hủy hoại uy tín và hình ảnh của mình bằng những việc làm trái ngược với cam kết của lãnh đạo cấp cao có phải lợi ích lâu dài của Trung Quốc? Liệu việc phá vỡ môi trường hòa bình, ổn định và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực có phải là lợi ích của Trung Quốc? Lãnh đạo Bắc Kinh thường nhắc nhở nhân dân rằng môi trường hòa bình và hợp tác trong khu vực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Trung Quốc, giúp Trung Quốc tập trung vào các vấn đề nội bộ, để cải cách và tái cơ cấu kinh tế và nắm lấy “cơ hội chiến lược” để đuổi kịp kinh tế Mỹ và phương Tây. Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ đang sử dụng Biển Đông để chia rẽ ASEAN thì tại sao Trung Quốc không ngăn chặn điều này một cách dễ dàng bằng cách ký COC với ASEAN? Chẳng phải chính hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã khuyến khích Mỹ “can thiệp” hay sao?
ASEAN đã rất chân thành xây dựng quan hệ láng giềng tốt, hữu nghị tốt và hợp tác tốt với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng.
Nguyễn Hùng Sơn
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông