1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hệ lụy từ “trò chơi khắc nhập, khắc xuất” của Crimea

(Dân trí) - Sau 60 năm rời xa đất mẹ, người dân Crimea đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi được Nga dang rộng vòng tay đón về. Tuy nhiên, sự trở về này không chỉ đặt thế khó cho “hai mẹ con”, mà còn báo hiệu nguy cơ đối đầu căng thẳng mới.

Bóng ma Chiến tranh Lạnh đang lơ lửng sau sự trở về của Crimea.

Bóng ma Chiến tranh Lạnh đang lơ lửng sau sự trở về của Crimea.

Với sự tán đồng của đại đa số cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 và Hiệp ước tiếp nhận Crimea vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký với các nhà lãnh đạo của bán đảo tự trị này, Cộng hòa tự trị Crimea từ nay đã chính thức trở thành một thực thể độc lập thuộc Liên bang Nga, chấm dứt chuỗi thời gian 60 năm tha hương kể từ sau quyết định nhượng quyền gây tranh cãi của lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrouchtchev.

Nhưng sau những vui mừng, nước mắt và cả sự tiếc nuối đâu đó, người dân Crimea sẽ phải nhanh chóng quay lại với thực tại của mình. Trở thành một thực thể của Liên bang Nga không có nghĩa mọi cơn ác mộng đã chấm dứt và tương lai của Crimea chỉ toàn màu hồng.

Trước hết là việc xác định quy chế chính thức cho Crimea.

Bán đảo này sẽ trở thành một thực thể hành chính giống như Novgorod và Kalingrad? Hay sẽ là một nước cộng hòa có có nghị viện, hiến pháp và tổng thống riêng như Chechnya và Inguchi? Ở thời điểm hiện tại, chưa ai có thể khẳng định được quy chế tương lai của Crimea trong Liên bang Nga, nước hiện đang quản lý nhiều tầng hành chính khác nhau với các mức độ tự trị khác nhau.

Theo kế hoạch, quy chế cụ thể cho Crimea sẽ được định đoạt trong phiên họp Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga vào ngày 21/3 tới, nhưng trước mắt quy chế này cũng chỉ được Nga chấp thuận. Còn lại, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là một số nước theo khuynh hướng cứng rắn trong châu Âu, sẽ không chấp nhận bất cứ quy chế pháp lý chính thức nào cho bán đảo này, đồng nghĩa với việc Crimea có thể sẽ trở thành một khu vực “vô danh, tiểu tốt” trên bàn cờ chính trị thế giới.

Đó là cái khó của Crimea.

Còn với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tuy là hai thế lực hùng cường nhưng cũng đều đang có những cái khó riêng của mình trong việc ứng xử với Nga và Crimea.

Trong những phản ứng mới nhất sau khi Nga nhanh chóng chấp nhận sự trở về của “đứa con lưu lạc” Crimea, nhiều nước phương Tây đã đồng loạt áp đặt các chế tài trừng phạt nhằm vào quyền đi lại và tài sản của giới chức Nga cũng như Crimea, trừ Tổng thống Putin. Trong số này có nhiều quan chức thân cận với nhà lãnh đạo Nga như Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko, cố vấn về vấn đề Ukraine Vladislav Surkov, cố vấn về kinh tế Sergei Glazyev, Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov và Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych.

Có thể nói đây là các đòn trừng phạt toàn diện nhất của phương Tây đối với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nếu tính cả việc London đóng băng hợp tác quân sự với Mátxcơva. Tuy nhiên, vẫn khó có thể hình dung liệu Mỹ và EU có thể đưa ra những “cây gậy” nào lớn hơn đối với “gấu Nga” khi các bên đều phải cân nhắc thận trọng về những hệ lụy khôn lường mà “lục địa già” sẽ phải gánh chịu một khi “đóng băng” toàn bộ các quan hệ hợp tác. Dù bực tức trước những hành động “thôn tính” hay “cướp đất” của Nga, nói theo ngôn từ của một số nhà lãnh đạo EU, song cả Mỹ và châu Âu sẽ không thể làm gì khác một khi ngay trong nội bộ các nước này đã xuất hiện những rạn nứt liên quan đến việc trừng phạt hay định hình lại quan hệ với Nga trong tương lai.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là tuyên bố chắc nịch của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini về việc sẽ không bãi bỏ tư cách thành viên của Nga trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8), đối lập hoàn toàn với khẳng định trước đó của Anh và Pháp. Rõ ràng, lợi thế kinh tế và năng lượng của Nga trước các thị trường khát năng lượng ở châu Âu là “con át chủ bài” để Mátxcơva có thể rộng tay hành động mà không quá lo ngại về một sự trả đũa “ăn thua đến cùng” của phương Tây.

Với Mỹ, con bài năng lượng của Nga có thể không có nhiều sức nặng nhưng điện Kremlin lại có những “quân cờ” khác để chơi lại Washington. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang rất cần sự giúp đỡ của Nga trong các hồ sơ nóng quốc tế để có thể ghi điểm trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào cuối năm. Vì thế trong cuộc chơi hiện nay, dường như Nga đang nắm phần chuôi và để dành phần lưỡi cho phía Mỹ.

Nói thế không có nghĩa Điện Kremlin sẽ không phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong cuộc đối đầu quyền lực hiện nay. Việc tiếp nhận Crimea mang lại cho Nga nhiều lợi ích về ngoại giao và quân sự, nhưng về kinh tế thì lại là một câu chuyện khác.

Theo Ngân hàng Renaissance Capital của Nga, các chỉ số then chốt trên thị trường chứng khoán Nga đã giảm gần 20% trong năm nay. Đồng rúp cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Trong hai tháng đầu năm, các nhà đầu tư đã rút khỏi Nga 33 tỷ USD và con số này có thể lên tới 55 tỷ USD vào cuối tháng 3.

Với vị trí địa lý tách biệt với Nga, thu nhập bình quân đầu người thấp và có tới 17% trên tổng dân số 2,6 triệu người trong độ tuổi nghỉ hưu, việc nuôi Crimea sẽ tạo gánh nặng tài chính không nhỏ cho Nga trong vài năm tới. Mặc dù trước mắt, các cấp chính quyền Nga đã sẵn sàng hỗ trợ ngay Crimea hơn 700 triệu euro, nhưng đây cũng chỉ là “muối bỏ bể” nếu so với con số 20 tỷ euro mà Nga sẽ phải bỏ ra trong trung hạn cho "sự hội nhập" của Crimea. Phần lớn số tiền này sẽ được Nga đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Crimea vốn đang nằm tách biệt hẳn với Nga do không có chung đường biên giới. Trong đó, dự án đầu tiên sẽ được khởi công nay mai là xây dựng cây cầu nối liền Crimea với Nga với tổng chi phí 480 triệu USD euro, đã được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh đầu tháng 3 vừa qua.

Ngoài những chi phí phải đầu tư cho Crimea, kinh tế Nga cũng bị hao hụt ít nhiều nếu phương Tây quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế. Hiện hàng hóa xuất khẩu của EU sang Nga chỉ chiếm 1% GDP của khối, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Nga sang EU chiếm gần 15% GDP của Nga. Do đó, nếu lệnh đóng băng kinh tế được đưa ra, biểu đồ tăng trưởng kinh tế Nga sẽ đi theo chiều ngang trong năm nay. Tất nhiên, đây vẫn là cái giá có thể chấp nhận được đối với điện Kremlin khi những lợi thế về khí đốt chắc chắn sẽ giúp Nga hãm đà lao dốc kinh tế do thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp.  
 

Theo nhận định của giới phân tích, trong thời gian trước mắt, trò chơi “khắc nhập, khắc xuất” của Crimea chắc chắn sẽ tạo ra những căng thẳng đáng kể trong quan hệ giữa Nga với phương Tây. Một số người bi quan cho rằng bóng ma Chiến tranh Lạnh có thể sẽ quay trở lại sau hơn 20 năm vắng bóng. Sự giằng co giữa hai thế lực Đông - Tây sẽ bị đẩy lên đỉnh điểm thông qua các đòn trả đũa và nắn gân lẫn nhau khi phương Tây không ngừng thực hiện chiến lược mở rộng sang phía Đông để bao vây các lợi ích chiến lược của Nga, còn Nga thì cũng cương quyết đáp trả hòng bảo vệ “sân sau” và khôi phục địa vị nước lớn của mình.

Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa với các lợi ích đan xen, chồng chéo và tác động đa chiều, bất kỳ quốc gia nào - dù là Nga, Mỹ hay châu Âu - cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi bước đi để vừa giữ được thể diện ngoại giao, vừa bảo toàn các lợi ích quốc gia. Vì thế, nếu cuộc ly khai của Crimea không lan sang các khu vực khác ở Ukraine, thì cuộc đối đầu Đông - Tây sớm muộn cũng sẽ bị đẩy lùi. Nga sẽ vẫn tiếp tục là nước cung cấp các nguồn năng lượng tối quan trọng cho châu Âu, là đối tác kinh tế lớn của nhiều quốc gia đầu tàu EU và là đối tác có tiếng nói quan trọng của Mỹ trong nhiều hồ sơ quốc tế.

Nói theo lời của một nhà phân tích, thế giới liên tục xoay vần trong các cuộc đấu đá chính trị nhưng từ lâu đã không còn chỗ cho các “trò chơi tổng không” vốn chỉ tồn tại trong các thời kỳ chiến tranh trước đây. Sẽ không còn cảnh “một bên mất trắng, một bên được cả” mà thay vào đó là những lợi ích hay mất mát được chia đều, dù không tuyệt đối, cho tất cả các bên.
 

Đức Vũ