1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hệ lụy dai dẳng từ chính sách một con ở Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng trong hàng chục năm qua đã gây hậu quả cho nhiều gia đình và khiến cho dân số của quốc gia tỷ dân mất cân bằng nghiêm trọng hiện nay.

Hệ lụy dai dẳng từ chính sách một con ở Trung Quốc - 1

Chính sách một con được áp dụng trong hàng chục năm qua tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Giống nhiều phụ nữ khác ở Trung Quốc vào thời điểm những năm 1990, Song Chunxia đã buộc phải phá thai khi kết quả siêu âm cho thấy cô mang bầu một bé gái.

Chính sách một con nghiêm ngặt được áp dụng từ năm 1979 đồng nghĩa với việc một số cặp đôi như Song và chồng cô khi đó phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn vì họ muốn có con trai hơn, do áp lực từ nhiều phía.

Cô Song, 46 tuổi, làm lao công ở Quảng Châu, đã suy nghĩ về nỗi đau cũ sau khi chính phủ Trung Quốc giờ đây cho phép các gia đình có 3 con.

"Nếu chính sách kiểm soát sinh đẻ được nới lỏng sớm hơn, tôi có thể đã không phải bỏ thai. Tôi có thể đã không cảm thấy áp lực như vậy", cô nói.

Chính sách một con ở Trung Quốc chấm dứt vào năm 2016, khi các cặp đôi được phép có 2 con. Chính sách tiếp tục được thay đổi hồi tháng 5 năm nay thành khuyến khích các cặp đôi sinh 3 con, sau khi đợt thống kê dân số Trung Quốc cho thấy tỷ lệ sinh tại nước này sụt giảm nghiêm trọng. Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số nhanh chóng.

Có nhiều câu chuyện giống như của gia đình cô Song trên khắp Trung Quốc. SCMP dẫn lời chuyên gia Jiang Quanbao từ đại học Giao thông Tây An cho biết, ước tính khoảng 20 triệu bé gái "đã biến mất" thông qua nạo phá thai hoặc các nguyên nhân khác từ những năm 1980 tới 2010.

"Lý do chủ đạo chính là tâm lý thích con trai hơn trong xã hội Trung Quốc. Các gia đình cần một hoặc nhiều con trai để tiếp nối dòng họ và phụng dưỡng khi về già", giáo sư Jiang, nhà nghiên cứu về dân số, cho hay.  

Han Juxian, một bác sĩ sản khoa đã nghỉ hưu ở Hà Nam, cho biết bà đã thực hiện hàng trăm ca phá thai vào những năm 1990.

"Tôi không thể nhớ con số chính xác nhưng nhiều người không muốn có con gái đầu lòng hoặc nếu họ đã có một bé gái thì muốn có con trai (dù sẽ bị phạt nặng vì có hơn một con)", bà Han nói.

Hệ lụy nghiêm trọng

Chính sách một con gây ra hệ lụy trong xã hội Trung Quốc khi gây nên sự mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính. Số lượng đàn ông nước này hiện giờ cao hơn phụ nữ 34,9 triệu người, theo dữ liệu thống kê mới nhất. Tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh ở Trung Quốc là 111,3 bé trai so với 100 bé gái. Con số trung bình toàn cầu là 105 bé trai/100 bé gái.

Hậu quả trực tiếp nhất của tình trạng trên là hàng triệu bào thai nữ đã bị tước đi quyền được ra đời trong 20 năm. Sự việc này kéo theo việc Trung Quốc khan hiếm cô dâu.

Các chuyên gia nhận định con số 34,9 triệu là đầy thách thức vì để tìm vợ đủ cho nhóm đàn ông này rất khó. Con số đó thậm chí còn lớn hơn dân số của nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Theo chuyên gia Yang Fan từ đại học Nhân Dân Trung Quốc, hệ lụy của việc thiếu cô dâu có thể còn nghiêm trọng hơn những gì được thống kê, vì hiện Trung Quốc có ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi trong dân số. Ví dụ, cô Song ở Quảng Châu bây giờ rất muốn có cháu nội, nhưng con trai của cô không thể tìm được bạn đời.

Feng Yuan, một nhà hoạt động nữ quyền và đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Equality, cảnh báo rằng tình trạng chênh lệch giới tính sẽ càng trầm trọng hơn vào năm 2030, khi những người sinh vào những năm 2000 đến tuổi kết hôn.