1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hé lộ vũ khí bí mật của cảm tử quân Nhật Bản

Văn phòng Dịch vụ Chiến lược Quân sự Nhật Bản (OSS) tiết lộ những vũ khí bí mật của quân đội Nhật Bản.

Lịch sử Nhật Bản được biết đến bởi các chiến binh Samurai huyền thoại, nhưng gần đây Văn phòng Dịch vụ Chiến lược Quân sự (OSS) Nhật Bản còn công bố hồ sơ mật mang tên Vũ khí bí mật của cảm tử quân Nhật Bản: Tự sát (Japan’s Secret Weapon: Suicide) chứa đựng nhiều điều bất ngờ liên quan đến các loại khí tài binh lính Nhật đã sử dụng cho các vụ tấn công cảm tử hồi Chiến tranh Thế giới Thứ II.

Chân dung các cảm tử quân Kamikaze Nhật Bản.
Chân dung các cảm tử quân Kamikaze Nhật Bản.

Những đơn vị chống tăng hay chiến đấu giáp lá cà được xem là những đơn vị cảm tử tinh nhuệ và thiện chiến của quân đội Nhật Bản. Thành viên của các đơn vị chống tăng có thể xung trận bằng một trái bom lắp trên người, quen gọi là mìn chống tăng Lunge. Sức công phá của các loại mìn này cực lớn, có thể hạ gục nhanh đối phương. Khi đối mặt với xe tăng đối phương, lính cảm tử quân người Nhật hay còn gọi là Kamikaze (Thần phong) sẽ rút chốt, áp người vào thành xe tạo ra tiếng nổ long trời, tiêu diệt gọn xe đối phương và cũng là lúc cảm tử quân hy sinh.

Theo các chuyên gia của OSS, đây cũng là phương tiện đánh bom cảm tử mang tính công nghệ thấp, nhưng hiệu quả cao. Lợi thế của mìn chống tăng Lunge là có sức công phá mạnh nên tiêu diệt nhanh các loại xe tăng lớp cổ, được dùng nhiều trong Chiến tranh Thế giới thứ II, thậm chí mức công phá còn sâu hơn 6 inch so với các loại mìn chống tăng khác.

Thợ lặn cảm tử quân, đội quân cảm tử này thường được người Nhật gọi là Fukuryu. Đây là những phiên bản "người nhái" được biên chế cho các đội quân trực tiếp tham gia đánh tàu ngầm hay các phương tiện thủy của đối phương. Các chiến binh "người nhái" này thường bơi sát tàu thuyền đối phương, trên người mang theo một lượng thuốc nổ ước từ 13 đến 15 kg. Lượng thuốc nổ có hai tác dụng, một là để tấn công và hai, giúp cho cảm tử quân không bị nổi và định hướng nhanh tới mục tiêu.

Trang phục chiến binh người nhái Fukuryu.
Trang phục chiến binh "người nhái" Fukuryu.

Thông thường, các cảm tử quân phải có tài bơi lội, chờ sẵn tại một vị trí mà tàu thuyền đối phương thường đi qua. Thậm chí có khi phải chờ đến 5-6 tiếng, sau đó bám vào thân tàu và trực tiếp kích nổ, như vậy cảm tử quân cũng hy sinh luôn.

Thuyền cảm tử (Suicide Boats) hay còn gọi theo tiếng Nhật là Shin'yo. Nó giống như Kamikaze phi công chở đầy thuốc nổ đâm thẳng vào tàu địch. Thuyền cảm tử thường có tốc độ 45-50 km/h trên chứa đầy thuốc nổ, bom hay thủy lôi, với người điều khiển là cảm tử quân kiên trung, anh dũng trung thành với Nhật Hoàng.

Thuyền cảm tử Shinyo.
Thuyền cảm tử Shin'yo.

Trong thực tế cũng có trường hợp các Shin'yo này thoát chết nhờ khả năng xử lý tình huống cực tốt. Có nghĩa là đánh tan tàu địch, mà bản thân lại không việc gì, nhưng rất hãn hữu. Theo số liệu thống kê, có thời kỳ đội quân cảm tử bằng thuyền của Nhật lên tới 400 người, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Các cuộc tấn công cảm tử bằng thuyền là những cuộc tấn công nổi tiếng nhất, giống như các cuộc xung trận Banzai của bộ binh Nhật. Ngoài ra, người Nhật còn có các đội tấn công cảm tử khác như tàu ngầm Kairyu hay thủy lôi Kaiten.

Bom bay cảm tử SFB (Suicide Flying Bombs) là vũ khí giống như máy bay Kamikaze nhưng loại bom bay này lại được thiết kế riêng cho mục đích cảm tử. Ví dụ, các máy bay Kamikaze chứa đầy bom, thuốc nổ, còn các bom bay lại là một quả tên lửa nhưng do cảm tử quân lái.

Một trong số những loại bom bay kiểu này có tên Yokosuka MXY7 Ohka, dài 7 mét, mang được 1.200 kg thuốc nổ được chế từ Nitrate Amon và bột nhôm do phi công lái đâm thẳng vào mục tiêu đối phương. Yokosuka MXY7 Ohka thực chất là một loại hỏa tiễn có người lái, phóng đi từ máy bay mẹ. Quân Mỹ gọi là Baka (thằng ngốc) hay một loại thiết bị bay khác là Nakajima Ki-115 Tsurugi chỉ gồm một động cơ đẩy đơn giản lắp trên khung bằng gỗ, dễ sản xuất và tính năng rất tuyệt vời.

Bom bay cảm tử SFB.
Bom bay cảm tử SFB.

Trong năm 1945, quân lực Nhật bắt đầu tích trữ hàng trăm loại Tsurugi, Ohka và các tàu cảm tử để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của Đồng minh, nhưng cuộc đổ bộ cuối cùng đã không xảy ra nên chỉ có rất ít số vũ khí cảm tử này được sử dụng.

Tàu ngầm cảm tử SS (Suicide Submarine) là khí tài tuy không được đề cập trong tài liệu của OSS nhưng lại có trong kho vũ khí của người Nhật, được đặt tên là thủy lôi sống Kaiten. Giống như bom bay, tàu ngầm Kaiten được thiết kế giống như một ngư lôi và có người điều khiển, trong đó, cảm tử quân sẽ là người trực tiếp điều khiển và theo đến cùng con tàu của mình đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ.

Tàu ngầm cảm tử SS hay thủy lôi sống Kaiten.
Tàu ngầm cảm tử SS hay thủy lôi sống Kaiten.

Vào thời điểm trước khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Khi người Nhật nhận ra rằng trước sau họ cũng bại trận và trong nỗ lực tuyệt vọng, người Nhật đã sử dụng một đội quân cảm tử có tên SAU (Special Attack Units) hay còn gọi là Shimbu-tai, chuyên lái tàu ngầm để phá hủy chiến hạm của đối phương. Đây là một trong số những đội quân cảm tử kiên cường nhất, gan dạ đã từng được lịch sử Nhật Bản, các thế hệ người Nhật ngày nay tôn vinh, kính trọng.

Đội quân cảm tử SAU trong Thế chiến II.
Đội quân cảm tử SAU trong Thế chiến II.

Theo số liệu chính thức của Mỹ công bố thì có khoảng 2.800 cảm tử quân người Nhật hay Kamikaze đánh chìm 34 tàu hải quân, làm bị thương 368 tàu, tiêu diệt 4.900 thủy quân và làm bị thương hơn 4.800 người khác. Dù có radar cảnh báo, không quân và hỏa lực phòng không dày dặc, nhưng vẫn có đến 14% Kamikaze sống sót và đánh trúng tàu Mỹ; gần 8,5% số tàu bị Kamikaze đánh trúng bị chìm.

Năm 1982, trong cuốn sách mang tên The Sacred Warriors: Japan’s Suicide Legions, của hai nhà báo người Australia tên là Denis và Peggy Warner, tiết lộ, có tới 57 tàu của đồng minh trong chiến tranh Thế giới thứ II bị các Kamikaze của Nhật đánh đắm.

Theo Hải Yến

Đất Việt