Hé lộ "tiệc" đón năm mới 2012 khắp thế giới
(Dân trí) - Những màn bắn pháo hoa ngoạn mục cùng những buổi lễ chào đón hoành tráng từ Sydney cho tới Stockholm sẽ “gõ cửa” năm mới 2012 vào ngày hôm nay, kết thúc năm 2011 đầy biến động.
Tại Australia, hơn 1,5 triệu người dự kiến sẽ chọn điểm thuận lợi dọc Vịnh Sydney để chứng kiến màn pháo hoa ngoạn mục trên mái vòm của Cầu Vịnh Sydney, tâm điểm của lễ đón năm mới.
Đến đầu giờ chiều nay, hàng ngàn người đã đợi trong cái nắng nóng của mùa hè chờ thời khắc 7 tấn pháo hoa thắp sáng bầu trời trong màn trình diễn sắc màu chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của toàn cầu.
“Mỗi năm chúng tôi đều đảm bảo rằng lễ chào đón của chúng tôi hoành tráng hơn và đẹp hơn năm trước”, thị trưởng Sydney Clover Moore cho biết.
Còn tại London, người dân sẽ được đón năm 2012, năm họ tổ chức Thế vận hội Olympic, bằng màn pháo hoa trên sông Thames, khi tháp chuông đồng hồ Big Ben điểm đúng giữa đêm. Ước tính hơn 250.000 người bên hai bờ sông Thames sẽ dõi theo sự kiện này.
Ở Paris, hàng chục ngàn người dự kiến sẽ đổ về Champs Elysees hoa lệ để đón chào năm mới, trong khi tại Stockholm, pháo hoa sẽ được thấy rực sáng khắp bầu trời thành phố.
Ở Amsterdam, người dân đang chuẩn bị cho “nụ hôn” đầu tiên giữa hai con rối bóng bay khổng lồ, hiển thị một cậu bé và một cô bé Hà Lan trong trang phục truyền thống, sẽ “đi” về phía nhau khi giây đồng hồ điểm về thời khắc đầu tiên của năm 2012.
Vào đúng giữa đêm, hai con rối sẽ hôn nhau trong khi pháo hoa bừng sáng trên bầu trời. Các nhà tổ chức hi vọng sự kiện này sẽ trở thành truyền thống hàng năm của thành phố.
Còn ở Rio, hai triệu người đi chơi năm mới dự kiến sẽ gõ cửa năm mới trên bãi biển Copacabana nổi tiếng, chiêm ngưỡng màn pháo hoa “xanh” ngoạn mục và hoành tráng.
Và hơn hai triệu người dự kiến sẽ đổ về Quảng trường Thời đại của New York, nơi diva nhạc pop Lady Gaga và giọng nam cao Placido Domingo nằm trong số những ngôi sao tham dự lễ thả quả cầu pha lê đúng vào giữa đêm.
New Zealand nằm trong những nơi đầu tiên được đón năm mới, nhưng mưa lớn trên khắp nước này đã khiến nhiều buổi lễ bị hủy bỏ. Hai lễ chào đón lớn ở North Island (Đảo Bắc) đã bị hủy bỏ do thời tiết, trong khi các sông dâng cao đang buộc người dân ở quanh Nelson, ở South Island (Đảo Nam) phải đi sơ tán.
Năm mới buồn ở những vùng thảm họa
Ở Nhật, nước vẫn đang phải hứng chịu hậu quả để lại của thảm họa kép động đất/sóng thần 11/3, nhiều gia đình tụ họp để tới đền thờ, đón chào năm mới.
Nhưng những người tị nạn do cuộc khủng hoảng hạt nhân gây ra cho biết họ không có gì nhiều để chào đón năm mới, sau khi bị chuyển sống xa nhà, xa người thân.
“Tôi không thể nói Chúc mừng năm mới, bởi tôi không cảm thấy mừng gì”, Yuji Takahashi, một trong 1.000 người “tị nạn hạt nhân” sống ở trong tòa nhà 36 tầng ở Tokyo cho biết.
“Ngày lễ đầu năm đã rất thú vị khi gia đình và người thân của tôi sum họp để đón chào một năm nữa. Nhưng họ đã bị phân tán và sống cách biệt kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân”.
Ở Philippines, nơi lũ lụt do bão Washi gây ra, cướp đi hàng ngàn sinh mạng, cuốn trôi nhiều làng mạc, năm mới cũng có tâm trạng buồn bã.
“Những người đồng bào của chúng tôi vẫn còn đang gượng dậy từ ảnh hưởng của trận bão, đặc biệt là những người mất người thân trong gia đình”, một quan chức nước này cho biết. Hơn 1.250 người đã thiệt mạng trong thảm họa.
Theo truyền thống, người Philippines đón năm mới bằng pháo hoa và tiệc tùng. Nhưng năm nay không có kế hoạch chào mừng nào được thấy ở các trung tâm sơ tán, là nơi trú ngụ của hơn 73.000 người trong số 465.000 người mất nhà cửa trong trận bão hai tuần trước.
Song quan chức trên đã hi vọng năm mới vẫn là dịp vui vẻ. “Bằng cách nào đó, họ sẽ tìm được cách để đón mừng” năm mới, ông nói.
Phan Anh
Theo AFP