Hé lộ thời khắc trên chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ ngay sau thảm họa 11/9
(Dân trí) - Ari Fleischer, thư ký báo chí của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush mới đây đã tiết lộ bản ghi chép chi tiết những giờ phút trên chiếc Không Lực Một (Air Force One) sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ.
Bản ghi chép được công bố vào dịp Mỹ chuẩn bị tưởng niệm 15 năm kể từ vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ và chấn động toàn cầu. Tài liệu này gồm tất cả 6 trang và là bản ghi chép gốc duy nhất ghi lại những gì cựu Tổng thống Bush nói trên chiếc Không Lực Một khi ông và các trợ lý nhận được thông tin về vụ tấn công.
Theo bản ghi chép, Tổng thống Bush khi đó đã nói với Phó Tổng thống Dick Cheney rằng: “Chúng ta đang trong thời chiến. Khi tìm ra được kẻ nào làm việc này, chúng sẽ không thích tôi làm tổng thống đâu. Chúng sẽ phải trả giá”.
Vụ khủng bố xảy ra khi Tổng thống Bush thăm một trường học ở Florida.
Vào thời khắc thảm họa xảy ra, Tổng thống Bush đang tới dự một buổi học tại trường tiểu học Emma E.Booker ở Sarasota, bang Florida. Khi nghe tin xảy ra vụ việc, ông Bush cùng các cộng sự, trong đó có thư ký báo chí Ari Fleischer, chuyển sang phòng khác trong trường để theo dõi và cập nhật thông tin. Sau đó ông di chuyển ra máy bay để về Phòng Bầu Dục chuẩn bị cho bài phát biểu trước người dân cả nước vào tối hôm đó.
Fleischer có nhiệm vụ giúp tổng thống ghi chép lại toàn bộ sự việc kể từ khi chiếc Không Lực Một cất cánh từ Florida ngay sau vụ tấn công nhằm vào tòa tháp đôi ở New York và Lầu Năm Góc.
Chuyên cơ đưa Tổng thống Bush đến căn cứ không quân Offutt ở Nebraska.
Bản ghi chép cho biết, chuyên cơ Không Lực Một đầu tiên đưa Tổng thống Bush đến căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana, sau đó là căn cứ Offutt ở Nebraska. Vào thời điểm đó, các mật vụ đã tìm cách để ngăn Tổng thống Bush trở lại Washington nhưng không thành, cuối cùng ông Bush quay lại Washington ngay buổi tối hôm đó.
“Tôi muốn trở về nhà càng nhanh càng tốt. Tôi không muốn bất cứ ai cầm chân tôi ở nơi nào đó ngoài Washington”, Tổng thống Bush khi đó nói. Một trợ lý của ông can ngăn: “Người dân nói rằng hiện giờ vẫn còn rất bất ổn, thưa ngài”.
Chiến đấu cơ F-16 hộ tống chuyên cơ Tổng thống từ Nebraska về căn cứ không quân Andrew.
Bản ghi chép Fleischer cũng đề cập đến việc phi hành đoàn trên chiếc Không Lực Một khi đó đã nhận được một thông tin từ mặt đất rằng “Angel (Thiên thần) sẽ là mục tiêu tiếp theo”. Thời điểm đó, Không Lực Một lấy mật danh là “Angel” nên sau tin tức đó phi hành đoàn lo ngại rằng chuyên cơ của Tổng thống có thể là mục tiêu tấn công khủng bố tiếp theo.
Ngay lập tức, một nhân viên an ninh có vũ trang đã được giao nhiệm vụ canh phòng ở cửa vào buồng lái đề phòng âm mưu khống chế ngay trên máy bay.
Tổng thống Bush và các trợ lý trên Không Lực Một thời điểm ngay sau khủng bố 11/9.
Chỉ một tháng sau đó, Tổng thống Bush và các trợ lý của ông mới được tiết lộ rằng thông tin liên quan đến “Angel” là thông tin hiểu lầm từ mặt đất.
Có thời điểm phi hành đoàn của Không Lực Một lo sợ chuyên cơ này có thể là mục tiêu tiếp theo của khủng bố.
Chia sẻ về công việc ghi chép sự kiện đi vào lịch sử này, Fleischer nói: “Tôi trước đó luôn làm nhiệm vụ ghi chép. Nhưng ngày 11/9 đã cho thấy việc ghi chép lại những gì tổng thống làm và tổng thống nói quan trọng đến mức nào. Về cơ bản tôi luôn túc trực bên cạnh tổng thống cả ngày hôm đó và ngồi bên trong chuyên cơ Không Lực Một để nghe và ghi chép lại”.
Rất nhiều nội dung ghi chép của Fleischer đã được công bố rộng rãi bởi Fleischer dùng những thông tin đó trong các dòng trạng thái chia sẻ trên mạng xã hội nhân dịp tưởng niệm sự kiện 11/9 hàng năm cũng như trong các bài phát biểu và ông cũng cung cấp chúng cho ủy ban phụ trách điều tra vụ khủng bố. Tuy nhiên, trước đó, ông chưa bao giờ công bố toàn văn bản ghi chép.
11/9/2001 là ngày định mệnh với người dân Mỹ khi hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York. Trong vòng 2 giờ, cả 2 tòa tháp bị sụp đổ. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ 3 đâm vào Lầu Năm Góc, trong khi chiếc máy bay thứ 4 bị không tặc khống chế rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania. Các vụ tấn công khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng.
Minh Phương
Tổng hợp