Hậu Brexit, người Texas đòi ly khai khỏi Mỹ
(Dân trí) - Được truyền cảm hứng từ Brexit (cụm từ chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu), nhiều người dân ở bang Texas đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tách Texas ra khỏi Mỹ và chính quyền liên bang, làm thành một kịch bản Texit tại xứ sở cờ hoa.
Sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh chính thức hạ màn với việc đa số người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một chiến dịch đòi tách Texas ra khỏi Mỹ đã được phát động với tên gọi Texit.
Những người tham gia vào chiến dịch hối thúc chính quyền bang Texas tổ chức cuộc trưng cầu dân ý theo phong cách Brexit ở Anh. Người đứng đầu chiến dịch, Daniel Miller, khẳng định: “Điều quan trọng bây giờ là Texas đã xem Brexit là một nguồn cảm hứng và là hình mẫu để người dân Texas có thể tự định đoạt số phận của chính mình”.
“Đã đến lúc người Texas cần liên minh lại với chúng tôi và đấu tranh vì quyền trở thành một quốc gia tự trị”, New York Daily News dẫn lời người đứng đầu chiến dịch cho biết.
Chiến dịch Texit đến nay đã thu thập được 260.000 chữ ký để kêu gọi thống đốc bang Texas Greg Abbort tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.
Những người tham gia chiến dịch Texit nói rằng mục tiêu của họ là muốn bang Texas được điều hành bởi chính những người dân Texas. Thông tin trên trang web của chiến dịch có đoạn: “Chúng tôi tin rằng người Texas đã chán ngấy với việc bị những người cửa quyền ở Washington áp đặt những chính sách mà người Texas không mong muốn”.
Trên mạng xã hội Twitter, một số người ủng hộ Texit lại viện những lý do khác để thực hiện chiến dịch này. Trong đó, có những người kêu gọi tiến hành Texit nếu ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
“Nếu ông Trump không giành chiến thắng, tôi sẵn sàng với Texit”, một dòng chia sẻ trên Twitter cho hay.
Đây không phải lần đầu tiên người Texas ký đơn đòi rời nước Mỹ. Bang này từng tách khỏi Mỹ sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1861 nhưng sau đó đã bị sáp nhập trở lại vào liên bang. Mặc dù vậy, tư tưởng độc lập đến nay vẫn hằn sâu trong tiềm thức của người dân nơi đây và kịch bản Texit là diễn biến mới nhất cho tư tưởng này.
Thành Đạt
Theo New York Daily News