1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Hạt tiêu" Buyan-M: "Gã ngổ ngáo" mang tên lửa Kalibr của Nga

Tàu tên lửa lớp Buyan-M của Nga đã khiến cả thế giới bất ngờ với màn trình diễn phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu IS ở Syria.

Buyan-M thể hiện uy lực “không thể tin nổi”

Chỉ mới được đưa vào biên chế hải quân Nga không lâu (tháng 3-2013) nhưng tàu tên lửa cỡ nhỏ loại "Buyan-M", thuộc đề án 21631, có lượng giãn nước vẻn vẹn 949 tấn đã chứng tỏ một chân lý là: “Nhỏ không có nghĩa là yếu”.

Ngày 7-10, Hải quân Nga đã chính thức tham gia chiến dịch tấn công Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria với vụ 4 chiến hạm thuộc của Hạm đội Caspian phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK từ vùng biển Caspian, xuyên qua lãnh thổ Iran và Iraq.

Đây là lần đầu tiên hải quân Nga sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên biển để tấn công các mục tiêu mặt đất trong một cuộc chiến thực sự, đồng thời đây cũng là lần tấn công bằng tên lửa hành trình đầu tiên của các lực lượng vũ trang nước này.

Được biết, tên lửa được phóng đi từ tàu hộ vệ tên lửa Dagestan (số hiệu 693), thuộc Project 11.661, lớp Gepard 3.9 và các khinh hạm tên lửa dự án 21.631 (lớp Buyan-M) là Grad Sviyazhsk (mang số hiệu 021), Uglich (022) và Veliki Ustyug (106).

Điều đáng nói là các chiến hạm “hạt tiêu” của Nga có lượng giãn nước cao nhất là Dagestan chỉ trên dưới 2000 tấn (3 tàu còn lại chưa đầy 1000 tấn) nhưng có khả năng mang mỗi tàu 8 quả tên lửa 3M-14T (SS-N-30A), thuộc hệ thống tên lửa hành trình đặt trên tàu nổi là Kalibr-NK.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình trên biển Caspian vào các mục tiêu IS ở Syria
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình trên biển Caspian vào các mục tiêu IS ở Syria

Sự thể hiện mình của Buyan-M đã khiến không ít người bị choáng sốc thực sự. 26 tên lửa hành trình Kalibr-NK đã phóng chính xác vào mục tiêu ở cự ly đến 1.500 km. Chưa đến nửa tháng sau, vào 20 tháng 10, màn hỏa lực khủng khiếp tương tự chụp xuống IS lần thứ hai, triệt hạ toàn bộ các mục tiêu.

Tuy nhiên, trong khi hoạt động, tàu lớp Buyan-M có thể phát ra tiếng ồn khá lớn. Tuy nhiên, báo Nga cho rằng, tiếng động ầm ĩ mà nó tạo ra hoàn toàn tương xứng với tên gọi của nó (Buyan trong tiếng Nga có nghĩa là "tay hay gây gổ", "tên cầm đầu ẩu đả" hay "gã ngổ ngáo ưa sinh sự").

Hiện 3 chiếc tàu lớp Buyan-M đang phục vụ ở Hạm đội Caspian, bao gồm Grad Sviyazhsk (mang số hiệu 021), Uglich (022) và Veliki Ustyug (106), chính là 3 chiếc đầu tiên thuộc lớp này và cũng là những chiếc đầu tiên của lớp đã phóng các tên lửa hành trình vào các mục tiêu thực tế.

Hai chiếc Buyan-M thứ 4 và thứ 5 của loạt tàu này là Zelyonyi Dol và Serpukhov đang được biên chế cho Hạm đội Biển Đen, có trụ sở Bộ tư lệnh tại căn cứ hải quân Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea, mới sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014.

Ngoài ra, còn 4 chiếc tàu tên lửa mới cỡ nhỏ của đề án này đang trong quá trình chế tạo và thử nghiệm ngoài biển. Tất cả số này sẽ được đưa vào thành phần trang bị của Hạm đội Biển Đen, nâng tổng số tàu của hạm đội này lên 6 chiếc.

Biên đội tàu Buyan-M tập trung đội hình trên biển Caspian
Biên đội tàu Buyan-M tập trung đội hình trên biển Caspian

Theo tuyên bố của Thuyền trưởng hạng nhất Igor Dygalo - phát ngôn viên chính thức của Hải quân Nga, hiện hải quân nước này đang có kế hoạch đóng hàng loạt tàu lớp Buyan-M, để trang bị cho các hạm đội khác.

Tên lửa hành trình Kalibr: Vũ khí chiến lược trên các tàu chiến thuật

Dòng tên lửa Kalibr do Viện OKB Novator ở Yekaterinburg nằm trong Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei phát triển. Đây là một họ tên lửa với nhiều biến thể dành cho quân đội Nga và khách hàng nước ngoài.

Các tên lửa họ Kalibr có một nguồn gốc phát triển chung là tên lửa hành trình chiến lược KS-122, của hệ thống S-10 Granat, có tầm phóng xa hơn 2.500 km, có khả năng mang 1 đầu đạn hạt nhân 100kt do Novator phát triển, được biên chế cho Hải quân Liên Xô năm 1984.

Tuy nhiên, người kế nhiệm là các tên lửa họ Kalibr đã hoàn thiện hơn về tính năng, vừa có khả năng tấn công mặt đất tầm xa hàng nghìn km, vừa có thể tấn công hủy diệt các chiến hạm mặt nước cỡ lớn tới 660km.

Kalibr có đầy đủ các các biến thể dành cho Lục quân (Kalibr-M) và Không quân Nga (Kalibr-A), nhưng các tên lửa này được trang bị phổ biến nhất trong Hải quân Nga. Chúng đang được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK).

Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở chuyên dụng cho tàu ngầm được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14; phiên bản sử dụng trên tàu mặt nước thêm chữ T đằng sau.

Tên lửa 3M-14, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-30A. Đây là một biến thể tấn công mặt đất dẫn đường quán tính triển khai cho các tàu ngầm Nga, có tầm phóng và tính năng ngang ngửa với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Nó có chiều dài cơ bản là 6,2 m (20 ft), với đầu đạn nặng 450 kg (990 lb), phạm vi tấn công là 1,500-2,500 km (930-1,550 mi), tốc độ hành trình cận âm Mach 0,8.

Tên lửa 3M-14T cũng có định danh DOD là SS-N-30A, được triển khai cho các tàu mặt nước với hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), với lực đẩy véc-tơ tăng áp. Chiều dài cơ bản của nó là 8,9 m (29 ft), các tham số khác cũng tương tự như 3M-14.

Các chiến hạm Nga chỉ 949 tấn cũng có thể mang tới 8 quả tên lửa hành trình
Các chiến hạm Nga chỉ 949 tấn cũng có thể mang tới 8 quả tên lửa hành trình

Tên lửa 3M-54, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-27A (tên mã NATO là Sizzler) là tên lửa ngầm đối hạm tốc độ siêu âm, có chiều dài 8,22m, đầu đạn nặng 200kg nhưng tầm phóng tối đa lên tới 660km, đoạn cuối bay ở độ cao 4,6m so với mặt biển, với vận tốc 2,9Mach.

Tên lửa 3M-54T cũng có mã hiệu và định danh giống 3M-54. Đây là phiên bản tên lửa chống hạm phóng từ tàu mặt nước (hạm đối hạm). Ngoài sự thay đổi về chiều dài (8,9 so với 8,22m), mọi tham số khác của loại tên lửa hạm đối hạm giống hệt phiên bản ngầm đối hạm.

Các tên lửa Kalibr của Nga được triển khai trên các tàu mặt nước và tàu ngầm có thể dùng làm vũ khí răn đe chiến lược thông thường. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với hải quân Nga trong điều kiện Mỹ-NATO mưu toan mở rộng hơn nữa sang phía Đông.

Với khả năng triển khai các tên lửa 3M-14T mang đầu đạn hạt nhân hàng trăm kt, hàng loạt tàu chiến thuật cỡ nhỏ như Buyan-M có sức mạnh còn trội hơn vũ khí chiến lược, mà lại khó đối phó hơn. Do đó, dù “bé hạt tiêu” nhưng trong tương lai, nó sẽ mới là yếu tố làm nên sức mạnh của hạm đội tàu mặt nước Nga.

"Hạt tiêu" Buyan-M: "Gã ngổ ngáo" mang tên lửa Kalibr của Nga - 4
Các chiến hạm Aegis Mỹ có khả năng phóng tên lửa hành trình thường có lượng giãn nước trên dưới 10.000 tấn

Tàu "Buyan-M" thuộc loại tàu hộ tống hoặc còn gọi là tàu hộ vệ hạng nhẹ hay khinh hạm, với lượng giãn nước vẻn vẹn 949 tấn, chiều dài 74 mét, chiều rộng 11 mét, mớn nước chỉ 2,6 mét. Tốc độ tối đa của "Buyan" là 25 hải lý/h, thủy thủ đoàn chỉ có 30 người.

Tàu cỡ nhỏ, nhưng về mặt trang bị lại có thể dùng cụm từ "vũ trang đến tận răng". Trang bị cơ bản của tàu là hệ thống Kalibr-NK với tên lửa hành trình tấn công chính xác, có khả năng diệt mục tiêu trên biển từ khoảng cách 660 km và 2.500 km với các mục tiêu trên đất liền.

Tuy là các tàu nhỏ nhưng chúng có khả năng mang tới mỗi tàu 8 tên lửa 3M-14T và 3M-54T, trong các bệ phóng thẳng đứng UKSK - một loại bệ phóng đa năng, có thể phóng cả các tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Oniks.

Tàu được trang bị tháp pháo tổng hợp 100 mm, có khả năng bắn 80 quả đạn mỗi phút. Ngoài ra, nó còn được lắp đặt pháo cỡ nòng 30 mm và các vũ khí nhẹ hơn là hai súng phóng lựu cỡ nòng lớn và ba khẩu súng máy 7,62 mm.

Để đối phó với những cuộc tấn công từ trên không, có hai bệ phóng tên lửa phòng không tầm gần/thấp Igla-M. Hệ thống điện tử của tàu Buyan-M có thể theo dõi và phân tích đến 256 mục tiêu và tạo ra hàng loạt loại nhiễu, đảm bảo khâu ngụy trang tàu.

Theo Nhật Nam

Đất Việt