1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hành trình Đối thoại Shangri-La

(Dân trí) - Mặc dù chỉ là diễn đàn an ninh liên chính phủ do một tổ chức tư vấn độc lập tổ chức, nhưng Hội nghị cấp cao An ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, ngày càng thu hút sự quan tâm của học giả và chính phủ nhiều nước.

   
Quá trình phát triển của Đối thoại Shangri-La
         
 
 
Dưới đây là những mốc phát triển chính của diễn đàn này.
 
Hội nghị cấp cao An ninh châu Á ra đời năm 2002 trong bối cảnh châu Á chưa có một khuôn khổ an ninh khu vực như ở châu Âu.

Hội nghị do Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Tiến sĩ John Chipman, thành lập sau hơn một năm thai nghén nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực khi đó là thành lập được một diễn đàn an ninh riêng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi các bộ trưởng quốc phòng có thể đối thoại, xây dựng niềm tin và thúc đẩy hợp tác an ninh.

Do Singapore là nước chủ nhà hội nghị và địa điểm tổ chức diễn ra ở khách sạn Shangri-La nên hội nghị còn được gọi là Đối thoại Shangri-La.

Kể từ khi ra đời đến nay, Đối thoại Shangri-La đã bước sang năm thứ 11 và trở thành một hội nghị thường niên, quy tụ quan chức quốc phòng hàng đầu của 28 nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cùng đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga, là hai nhân tố quan trọng trong việc định hình các vấn đề an ninh đang nổi lên ở châu Á – Thái Bình Dương.

Tại cuộc đối thoại  đầu tiên, chỉ có khoảng 10 thứ trưởng quốc phòng tới tham dự, chủ yếu từ các nước thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN.

Năm 2003, cuộc đối thoại được mở rộng danh sách khách mời gồm cả các tướng lĩnh quốc phòng.

Năm 2004, danh sách khách mời một lần nữa được mở rộng, có thêm giới chức tình báo và cảnh sát cấp cao của các nước tham gia. Năm ấy, số lượng khách tham dự tăng lên gấp 3.

Đến năm 2006, số lượng các đoàn đại biểu đã tăng lên 23 nước, với 17 đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu.

Một năm sau, tức vào năm 2007, Đối thoại Shangri-La trở thành hội nghị mang tính bước ngoặt khi có sự tham gia của đoàn đại biểu cấp cao từ Trung Quốc do Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung tướng Lương Quang Liệt dẫn đầu.

Năm 2008, Việt Nam và Myanmar nâng cấp phái đoàn tham dự lên cấp Thứ trưởng, trong khi Lào lần đầu tiên cử phái đoàn tham dự.

Năm 2009, đoàn Việt Nam được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dẫn đầu. Đây cũng là năm đầu tiên chứng kiến sự góp mặt của Thủ tướng Australia Kevin Rudd, nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới dự hội nghị.

Đến năm 2010, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trở thành nguyên thủ đầu tiên có bài diễn văn chính tại hội nghị. Cũng trong năm ấy, đoàn đại biểu Nga do ông Sergey Lavrov dẫn đầu.

Hội nghị năm 2011 diễn ra trong bối cảnh an ninh và quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương trải qua một số biến động, đặc biệt là những diễn biến nóng tại Biển Đông. Vì vậy, đây cũng là hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo nhất của bộ trưởng quốc phòng các nước, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Roberrt Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Philíppin, Hàn Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.

Năm nay, vấn đề Biển Đông vẫn sẽ là một trong những chủ đề nóng tại bàn thảo luận của Đối thoại Shangri-la lần thứ 11, bên cạnh các vấn đề khác như tàu ngầm, chiến tranh mạng, máy bay không người lái...

Theo giới phân thích, cuộc đối thoại năm  nay hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa do diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi mạnh mẽ về quân sự trong khu vực. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, sự thay đổi chiến lược quốc phòng của  Nhật Bản và xu hướng hợp tác quân sự giữa Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, khác với đối thoại trước, năm nay Trung Quốc đã “giáng cấp” đoàn tham gia xuống cấp vụ khi chỉ cử Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc dẫn đầu phái đoàn.

Tại hội nghị 2011, đoàn Trung Quốc do Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt dẫn đầu, cấp cao nhất kể từ năm 2007 khi nước này bắt đầu tham gia diễn đàn thường niên.

Trong khi đó, Mỹ vẫn cử một phái đoàn hùng hậu gồm Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Martin Dempsey, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear và Thượng nghị sĩ John Macken tới dự, nhằm khẳng định cam kết hỗ trợ các nước đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương trước những căng thẳng trong khu vực.

 Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị năm nay. Bên lề các phiên thảo luận chính, Đoàn Việt Nam dự kiến cũng có những cuộc tiếp xúc song phương.

 

Đức Vũ