1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận quốc tế theo PSI

(Dân trí) - Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận hải quân quốc tế trong khuôn khổ Sáng kiến Phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), nhằm ngăn ngừa sự xâm chiếm và gây hấn trên biển.

Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận quốc tế theo PSI - 1


Tàu của Hải quân Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập ngoài khơi bờ biển phía Tây năm ngoái
 
Trong báo cáo trước Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Hàn Quốc hôm qua, Bộ Quốc phòng cho biết cuộc tập trận chung sẽ diễn ra tại cảng Busan (miền Nam Hàn Quốc) và vùng biển lân cận vào tháng 10 tới. Các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Singapore và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận.

Đây sẽ là lần đầu tiên một cuộc tập trận trong khuôn khổ PSI được tiến hành ở vùng biển Hàn Quốc. Theo báo chí Hàn Quốc, đây cũng được xem như một phần của những động thái trừng phạt Triều Tiên “sau hành động của nước đánh đắm chiến hạm Cheonan”, bằng cách cắt đứt nỗ lực xuất khẩu vũ khí Bình Nhưỡng qua đường biển.

PSI là sáng kiến đa quốc gia do Mỹ chủ xướng nhằm ngăn chặn buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ban đầu, Hàn Quốc không tham gia các hoạt động ngăn chặn đường biển do lo ngại phản ứng từ phía Triều Tiên, nhưng khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai vào tháng 5 năm ngoái, Seoul đã trở thành thành viên đầy đủ của PSI.

Các hạm đội tàu khu trục, trực thăng và đặc biệt là máy bay trinh thám hải quân P-3C, lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ được điều động tham gia tập trận để ngăn chặn các tàu thuyền khả nghi và thu giữ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Được biết, Hàn Quốc cũng sẽ tham gia diễn tập ngăn ngừa xâm nhập trên biển dự kiến được tiến hành tại Australia vào tháng 9 tới.

Trong diễn biến liên quan, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm qua công bố “Bản cáo trạng” đối với Seoul đồng thời khẳng định Triều Tiên sẽ làm rõ nguyên nhân vụ đắm tàu hải quân của chính phủ Hàn Quốc.

Bản cáo trạng này được đưa ra đúng 1 tháng sau khi Seoul công bố kết quả điều tra nguyên nhân vụ chìm tuần dương hạm Cheonan. KCNA tiếp tục duy trì lập trường rằng kết quả điều tra của Hàn Quốc về tàu Cheonan là do chính phủ Hàn Quốc bịa đặt. Triều Tiên cũng đe dọa miền Bắc không bỏ qua hành động gây chiến của Hàn Quốc.

Việt Hà

Theo Yonhap, Chosun Ilbo