1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc có vượt qua khủng hoảng?

Trong những tuần qua, người dân Hàn Quốc đã thể hiện rõ sự phẫn nộ của mình trước vụ bê bối chính trị đang làm chao đảo đất nước này mà tâm bão chính là Tổng thống của họ cùng người bạn thân lâu năm bị nghi đứng sau hậu trường điều khiển bà.

Sự kiện dường như đã đẩy xứ sở Kim chi trở lại thời kỳ đen tối như những năm 1980, 1990.

Người biểu tình đòi bà Park từ chức trên đường phố thủ đô Seoul. (Nguồn: BBC).
Người biểu tình đòi bà Park từ chức trên đường phố thủ đô Seoul. (Nguồn: BBC).

Quyền lực của Tổng thống Park Geun-hye đã suy giảm ghê gớm sau khi không thể đề xuất một vị trí Thủ tướng trong Nội các, các đảng đối lập yêu cầu thành lập một chính phủ lâm thời, người dân biểu tình liên tiếp, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm tới mức kỷ lục chỉ còn 5%.

Khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đưa ra bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức sau khi đắc cử để trở thành vị nữ lãnh đạo đầu tiên của đất nước này hồi năm 2013, bà đã vạch ra “một kỷ nguyên mới của hy vọng” trong đó bà sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng “một đất nước Cộng hòa thịnh vương, nơi mà tất cả người dân đều cảm thấy hạnh phúc”.

Nhưng đối với bản thân bà Park, mấy tuần gần đây không hề hạnh phúc một chút nào.

Vốn nắm quyền lực vào thời điểm mà đất nước Hàn Quốc phải đối mặt với hàng loạt thách thức như mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên hay hậu kỳ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bà Park giờ lại bị khóa chân trong một vụ bê bối có liên quan tới người cố vấn trong bóng tối và cũng là bạn thân của bà – Choi Soon-sil.

Bà Choi Soon-sil đã bị triệu tập về nước, và bị giới công tố Hàn Quốc bắt giữ để thẩm vấn. Câu hỏi nằm ở tâm điểm vụ việc hiện tại là liệu bà Choi có lợi dụng mối quan hệ quen biết với chính quyền bà Park để thu về túi của mình khoản tiền hơn 70 triệu USD tiền quyên góp dành cho 2 tổ chức phi lợi nhuận do chính bà lập nên hay không? Chỉ riêng tình tiết của vụ bê bối này cũng đã ly kỳ không kém gì một bộ phim trinh thám.

Bắt đầu từ một vị thầy bói

Theo truyền thông Hàn Quốc, bà Park và bà Choi quen nhau thông qua cha của bà Choi, ông Choi Tae-min – là một cha xứ, người đã kết bạn với bà Park ngay sau khi mẹ của bà bị ám sát năm 1974. Điều này tưởng chừng như bình thường, nhưng không phải vậy.

Theo một báo cáo của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc hồi những năm 1970, sau khi được một tạp chí của nước này đăng tải hồi năm 2007, ông Choi lần đầu được gặp bà Park là khi ông nói với bà rằng mẹ của bà đã xuất hiện trong một giấc mơ của ông và yêu cầu ông giúp đỡ. Hóa ra, ông Choi, người đã qua đời năm 1994, được xem là một nhân vật kiểu “Rasputin” - nhân vật bí ẩn mang màu sắc tôn giáo từng thao túng vị Nga hoàng cuối cùng Nicholas II – và nhà thờ mà ông dẫn dắt bị coi là một giáo phái đen tối.

Ông Choi từng bị cáo buộc lợi dụng mốii quan hệ với bà Park để thu về các khoản tiền hối lộ. Một số hãng tin trong nước còn gieo rắc lời đồn thổi rằng ông Choi đã “hoàn toàn kiểm soát bà Park cả về thể xác và tâm hồn trong những năm tuổi trẻ của bà và con cái của ông đã trở nên giàu có nhờ điều này”.

Dân Hàn Quốc hiện nay tỏ ra hết sức giận dữ một phần cũng vì xem bà Choi như một người thay thế chính cha của bà để trở thành một cố vấn thân cận nhất của Tổng thống của họ, một người luôn đứng trong bóng tối điều hành trong khi không có một vị trí nào trong chính phủ.

Mối quan hệ Park-Choi

Sự phẫn nộ nhằm vào bà Choi Soon-sil càng gia tăng trong những tuần qua khi dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới việc con gái của bà, Chung Yoo-ra, được ghi danh vào trường Đại học Ewha, trường nữ sinh hàng đầu của Hàn Quốc. Lời thú tội của bà cuối cùng khiến cho nhiều người bất ngờ, khi khai rằng phía Đại học này đã thêm điểm cho con gái bà để được nhập học.

Cuối cùng, Chủ tịch của Đại học Ewha đã phải đệ đơn từ chức vì vụ việc trên. Và sự việc càng khiến cho giới truyền thông nước này đào bới sâu hơn vào mối quan hệ giữa bà Choi và bà Park.

Sự ngờ vực dần chuyển sang sự phẫn nộ khi trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hồi đầu tháng này, Tổng thống Park đã thừa nhận đã nhờ bà Choi xem giúp các bài phát biểu trước công chúng trong chiến dịch tranh cử năm 2012.

“Bà Choi đã đưa ra lời khuyên về cách thể hiện trong các bài phát biểu của tôi và về cách quan hệ cộng đồng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Và bà ấy tiếp tục giúp đỡ tôi trong một khoảng thời gian nhất định sau khi tôi nhậm chức” – bà Park nói.

Bản thân bà Choi cũng đưa ra lời xin lỗi, nói trên tờ Segye Ilbo rằng bà đã được cho xem trước các bản soạn thảo diễn văn của bà Park nhưng không hề nhận được lợi ích tài chính nào từ mối quan hệ này. “Tôi đã phạm phải mội tội đáng chết. Xin hãy tha thứ cho tôi”- bà Choi nói.

Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi người dân trên truyền hình trực tiếp hôm 4/11. (Nguồn: Reuters).
Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi người dân trên truyền hình trực tiếp hôm 4/11. (Nguồn: Reuters).

Sự phẫn nộ của cử tri Hàn Quốc

Thế nhưng, những lời thú tội này không giúp cho dư luận khỏi phẫn nộ. Giới công tố lập tức ra lệnh bắt giữ khẩn cấp với bà Choi, và làn sóng biểu tình đòi bà Park từ chức trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.

Ngay sau khi bà Park đưa ra lời xin lỗi, khoảng 9.000 người biểu tình đã tràn ra đường phố thủ đô Seoul để yêu cầu bà rời khỏi văn phòng Tổng thống. Làn sóng này vẫn tiếp diễn ngay cả khi bà Park đã yêu cầu một số quan chức chóp bu trong Nội các của bà từ chức với nỗ lực xoa dịu dư luận.

Nhiều người biểu tình giơ cao biểu ngữ “Ai mới là Tổng thống thật?” hay “Bà Park Geun-hye phải từ chức”.

Trong khi đó, giới chuyên gia trong nước không hề lạc quan về tương lai chính trị của bà Park. Trên tờ Korea Herald, Giáo sư nghiên cứu triết lý chính trị Yoon Peyeong-joong thuộc ĐH Hanshin, nói rằng: “Cơ bản là Tổng thống không thể cầm quyền được trong bối cảnh hiện tại. Bà ấy nên nhượng bộ”.

Tổng thống Park vẫn còn kha khá thời gian trong nhiệm kỳ 5 năm của mình. Nhưng điều này không đủ để dư luận Hàn Quốc bỏ qua khả năng sắp có người kế vị bà trong cuộc bầu cử năm 2017. Trong số những ứng viên sáng giá nhất được nhắc tới có Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, người sẽ rời khỏi vị trí hiện tại vào cuối năm nay. Ông Ban, người đang dẫn đầu danh sách này, đã từng giữ vị trí Ngoại trưởng Hàn Quốc trong khoảng thời gian 2004-2006.

Hiện tại, quyền lực của Tổng thống Park Geun-hye đã suy giảm ghê gớm sau khi không thể đề xuất một vị trí Thủ tướng trong Nội các, các đảng đối lập yêu cầu thành lập một chính phủ lâm thời, người dân biểu tình liên tiếp, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm tới mức kỷ lục chỉ còn 5%.

Khủng hoảng?

Người dân Hàn Quốc đã từng vượt qua hàng loạt các cuộc khủng hoảng quốc gia một cách dũng cảm. Họ đã đạt được nền dân chủ trong những năm 1980, khi toàn nền kinh tế và xã hội quốc gia đang chịu sự quản lý của chính quyền quân sự. Họ cũng vượt qua 2 cuộc khủng hoảng tiền tệ trong khoảng những năm 1990 bằng một cuộc tái cơ cấu đầy cay đắng. Chỉ trong một khoảng thời gian 6 thập kỷ, Hàn Quốc đã từ một trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn tới vị trí trong top 10 nền kinh tế lớn nhất.

Tuy nhiên, trong các đời chính quyền cũ, đất nước này lại thất bại trong việc thiết lập một môi trường chính trị tốt đẹp hơn. Vẫn còn nhiều cá nhân bấu víu lấy quyền lực, ép buộc các thể chế tài chính lớn trong nước bỏ tiền quyên góp, hay vẫn còn tồn tại các mối quan hệ đen tối giữa chính trị và giới doanh nhân giàu có. Vụ bê bối Choi Soon-sil là một ví dụ điển hình trong số này.

Hàn Quốc đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng mang tính sống còn, như các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, hay như quan hệ kinh tế Mỹ-Hàn dưới thời Tổng thống mới Donald Trump. Trong bối cảnh đó, cộng đồng chính trị nước này cần phải cực kỳ cẩn trọng không gây ra sai lầm khi để người dân bị chôn vùi trong sự phẫn nộ, điều có thể kiềm chế đà tăng trưởng kinh tế của họ.

Nếu muốn tiếp tục tiến lên phía trước, Hàn Quốc sẽ cần có một nhà lãnh đạo mới có khả năng tạo dựng nên một hệ thống kinh tế và chính trị minh bạch hơn trước kia. Xét về khía cạnh nào đó thì vụ bê bối Choi Soon-sil này cũng là một cơ hội để tạo động lực cho họ làm như vậy.

Theo Khánh Duy

Đại đoàn kết