Hàn Quốc cảnh giác nguy cơ Triều Tiên được Nga trang bị công nghệ quân sự
(Dân trí) - Hàn Quốc đang ngày càng lo ngại khả năng Nga chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Triều Tiên và điều này sẽ làm tăng đáng kể "các mối đe dọa hiện hữu" mà nước này phải đối mặt.
"Nếu Nga chuyển giao các công nghệ quân sự có độ nhạy cảm cao cho Triều Tiên, chẳng hạn như công nghệ tái nhập khí quyển cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), phương tiện phóng vệ tinh, máy bay chiến đấu phản lực MiG 29 hoặc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thì sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt ở mức cảnh báo đỏ", giáo sư Park Won-gon tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết.
Theo ông, trong trường hợp đó, rất có khả năng Hàn Quốc sẽ thực hiện "các biện pháp được hiệu chỉnh cẩn thận" để đối phó với "các mối đe dọa hiện hữu" như vậy.
Nhận định này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm vùng Viễn Đông của Nga hồi đầu tháng 9 và Tổng thống Vladimir Putin đã nhận lời mời tới thăm Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un cũng đi thăm các địa điểm quân sự và xem một số hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga như máy bay ném bom hạt nhân, máy bay chiến đấu và tên lửa siêu thanh.
Theo hãng thông tấn KCNA của Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đề nghị "hỗ trợ đầy đủ và vô điều kiện" cho phía Nga, khi ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thảo luận về việc mở rộng "phối hợp chiến lược và chiến thuật" giữa lực lượng vũ trang của hai nước.
Các nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ cung cấp đạn dược cho Nga để được nhận lại công nghệ của Moscow nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định Bình Nhưỡng có thể sẽ chỉ nhận lại viện trợ lương thực và kinh tế do Nga thường rất miễn cưỡng chia sẻ công nghệ vũ khí.
Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha, cho rằng ngay cả khi Tổng thống Putin "đáp lời" bằng chuyến thăm đến Triều Tiên, Nga chắc chắn vẫn rất thận trọng trong việc chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến.
"Hàn Quốc có thể bán vũ khí tốt hơn nhiều để hỗ trợ Ukraine trong chiến lược phòng thủ so với pháo binh thời Chiến tranh Lạnh của Triều Tiên, vốn chỉ có thể tiếp tế một phần cho Nga", ông nói.
Ông cho biết, Nga - một thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - đã giúp đỡ Bình Nhưỡng bằng cách từ chối thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Giáo sư Easley cũng cho hay, Hàn Quốc cũng có thể ra tín hiệu cảnh báo sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ công ty Trung Quốc nào làm ăn với các nhà thầu quốc phòng Nga trong việc chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên.
Nga và Triều Tiên là những đối tác quan trọng đối với Trung Quốc, với tư cách là láng giềng quan trọng và là các đối tác cân bằng chống lại Mỹ. "Nước cờ hiện tại của hai nhà lãnh đạo Putin và Kim Jong-un có thể là nỗ lực nhằm thực hiện các lựa chọn chiến lược, nhưng lợi ích tài chính của Bắc Kinh có thể bị ảnh hưởng lớn hơn", ông nói.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cảnh báo rằng, Nga và Triều Tiên sẽ phải đối mặt hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục thực hiện các thỏa thuận chuyển giao vũ khí vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nhưng trên thực tế, Hàn Quốc thiếu các biện pháp cưỡng chế để trừng phạt Nga hoặc Triều Tiên về giao dịch vũ khí, giáo sư khoa học chính trị Yang Moo-jin của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định.
"Hàn Quốc có thể tăng cường tập trận với Mỹ và Nhật Bản, thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức và cơ quan chính phủ của Triều Tiên, hoặc tìm cách cô lập Bình Nhưỡng hơn nữa tại Liên hợp quốc", giáo sư Yang nói.
"Tuy nhiên, về cơ bản đây vẫn là những món ăn cũ", giáo sư này nói và nhấn mạnh thêm rằng, để cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia tham chiến nào khác, Hàn Quốc sẽ phải được sự chấp thuận của quốc hội hiện do phe đối lập kiểm soát.
Seoul có chính sách không cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ quốc gia nào đang trong chiến sự, trong khi Nga nhiều lần cảnh báo rằng mối quan hệ của Seoul với Moscow sẽ gặp nguy hiểm nếu nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chang Ho-jin trong tháng này đã triệu tập đại sứ Nga tại Seoul và kêu gọi Moscow ngừng ngay lập tức hợp tác quân sự với Triều Tiên, điều mà ông cho rằng sẽ có "tác động rất tiêu cực" đến mối quan hệ của nước này với Seoul, hãng thông tấn Yonhap cho biết.
Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Hyun-dong hồi đầu tuần cho rằng việc tăng cường hợp tác rõ ràng giữa Nga và Triều Tiên là "đáng lo ngại nhất", nhấn mạnh Seoul và Washington sẽ "không ngồi yên".
Đáp trả, đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song cho biết, đất nước của ông cần khẩn cấp tăng cường khả năng tự vệ, đồng thời tuyên bố bán đảo Triều Tiên phải đối mặt với "nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngay lập tức".