Hàn-Mỹ tự tin "tóm sống" tên lửa Triều Tiên
Hàn Quốc tự tin tuyên bố nước này và Mỹ được trang bị tốt để phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên phóng tên lửa.
Sự bí hiểm của Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 3/8 khẳng định nước này và Mỹ được trang bị tốt để phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan tới vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tuyên bố được đưa ra trong khi có thông tin cho rằng Bình Nhưỡng đang lắp đặt một nhà vòm để giấu bệ phóng tên lửa.
Người phát ngôn bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Kim Min-seok, thừa nhận mái vòm này sẽ gây khó khăn cho Hàn Quốc và Mỹ trong việc nắm bắt mọi hoạt động lắp ráp tên lửa ở bên trong. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Thông qua các thiết bị tình báo, các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đủ khả năng phát hiện các dấu hiệu nếu Triều Tiên xúc tiến một vụ khiêu khích bằng tên lửa tầm xa như Bình Nhưỡng từng làm trong quá khứ dưới vỏ bọc một vụ phóng vệ tinh”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok
Theo các quan chức Chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên gần như đã hoàn tất công tác nâng cấp cơ sở phóng gần khu vực bờ biển phía Tây nước này trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chuẩn bị khả năng tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10 tới.
Hôm 1/8, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho hay Triều Tiên đang lắp đặt một nhà vòm để giấu bệ phóng tên lửa Tongchang-ri nhằm “tránh sự theo dõi của các vệ tinh do thám”. Bình Nhưỡng đã hoàn tất công tác nâng cấp một bệ phóng tên lửa ở cơ sở phóng vệ tinh Sohae, Tây Bắc nước này, và đang triển khai công tác lắp đặt một nhà vòm để giấu tên lửa.
Kyodo dẫn nguồn tin cho biết các cơ quan tình báo Mỹ đang tăng cường theo dõi sát sao nhà vòm trên tại Cơ sở phóng vệ tinh Sohae thuộc bãi phóng Tongchang-ri ở tỉnh Bắc Pyongan. Theo phân tích của các cơ quan tình báo Mỹ, nhà vòm này được Triều Tiên xây dựng để tránh sự theo dõi của các vệ tinh do thám và công tác lắp đặt nhà vòm sẽ được hoàn thiện trong tháng này.
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên tại bãi phóng Tongchang-ri trước vụ phóng tháng 12/2012
Còn theo các nguồn tin ngoại giao, giàn cần cẩu cao 50 mét trước đó tại cơ sở phóng này đã được nâng lên thành 60 mét. Các quan chức tình báo và quân sự cho rằng cơ sở này hiện đủ khả năng phóng các tên lửa tầm xa có kích cỡ gấp đôi tên lửa Unha-3 (dài 30 mét) mà Bình Nhưỡng tuyên bố từng được sử dụng để đưa vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng 12/2012.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy tên lửa đã được đặt vào bệ phóng tại Cơ sở phóng vệ tinh Sohae.
Hàn Quốc sẵn sàng
Không quân Hàn Quốc mới đây tuyên bố đã thiết lập một hệ thống sử dụng radar và vệ tinh để theo dõi những thay đổi về khí tượng ở miền Bắc và đưa ra các thông tin có độ chính xác cao bằng cách phân tích các thông số qua một siêu máy tính.
Một thông cáo của Không quân Hàn Quốc có đoạn viết: “Đơn vị phụ trách dự báo thời tiết đã bắt đầu dự báo những thay đổi thời tiết ở Triều Tiên do nhu cầu của các hoạt động quân sự. Thông tin này sẽ có ích trong việc đánh giá khả năng miền Bắc thực hiện việc phóng tên lửa”.
Tên lửa Unha-3 rời bệ phóng
Hồi đầu năm nay, đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị cho Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ nước này phóng một vệ tinh để đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.
Hôm 28/7, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ) Jang Il Han cũng cho biết Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành một vụ phóng thử tên lửa mới vào tháng 10 tới. Theo ông Han, ngày 10/10 tới là kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên - một sự kiện trọng đại và ông để ngỏ mọi khả năng.
Ông Han nêu rõ: "Trước đây, Triều Tiên từng tuyên bố sẽ đáp trả hành động răn đe quân sự và gây sức ép của Mỹ bằng việc hiện đại hóa, mở rộng và tăng cường các lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Do vậy, tôi sẽ không loại trừ khả năng tiến hành một trong những điều đã đề cập ở trên."
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (USKI) thuộc trường Đại học Johns Hopkins cùng ngày cho biết việc nâng cấp bãi phóng tên lửa chính của Triều Tiên dường như đã hoàn tất.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại hôm 21/7 vừa qua cho thấy Bình Nhưỡng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng một công trình phụ trợ trên bệ phóng tên lửa. Viện nghiên cứu này cũng lưu ý Triều Tiên đã hoàn tất công trình đường ray di động được sử dụng để vận chuyển các tên lửa đến tháp phóng. Tuy nhiên, viện này cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị một vụ phóng tên lửa.
Tuần trước, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn một một nguồn tin chính phủ nước này cho hay Triều Tiên đã tiến hành nối dài một bệ phóng tên lửa tầm xa tại một căn cứ phóng tên lửa gần bờ biển phía Tây nước này.
Theo nguồn tin của Yonhap, bệ phóng cao 50 mét tại Dongchang-ri ở Tây Bắc Triều Tiên được nối dài thành 67 mét và có thể được sử dụng để phóng một tên lửa tầm xa dài hơn loại Unha-3.
Ai khiêu khích?
Hãng Yonhap của Hàn Quốc mới đây cho biết Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) dự báo nhiều khả năng Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích quân sự nhân dịp kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10.
Trong buổi tiếp đoàn đại biểu Đảng Thế giới mới cầm quyền của Hàn Quốc do ông Kim Mu Song dẫn đầu thăm Washington, một quan chức cấp cao của CIA giấu tên cho biết: “Phải lưu ý khả năng Triều Tiên có các hành động khiêu khích quân sự nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng vào tháng 10 tới”.
|
Triều Tiên thường thực hiện các vụ phóng rốc-két và tên lửa tầm ngắn để phản ứng trước các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn |
Tuy không đề cập hành động khiêu khích cụ thể, song tuyên bố này được cho là ám chỉ khả năng Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa đạn đạo.
Quan chức này cũng đề cập đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khi nhận định rằng “Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa thấy có sự tiến triển”.
Quan chức CIA còn đề cập đến quan hệ Trung – Triều, ông cho rằng Bắc Kinh đang tỏ ra thất vọng trước thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân và quan hệ giữa hai nước này khó có thể êm thấm. Quan chức tình báo Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang trở nên nguy hiểm khi Trung Quốc có quan điểm thiếu nhất quán trong việc trừng phạt đối với nước này.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 30/7 cho biết nước này đã hối thúc Mỹ chấm dứt cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc để mở đường cho đối thoại, đồng thời đổ lỗi cho Washington về sự đình trệ trong tiến trình đàm phán 6 bên liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
|
Triều Tiên từng mời các phóng viên nước ngoài tới tận bãi phóng Tongchang-ri trước vụ phóng vệ tinh năm 2012 |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói: "Việc Mỹ chấm dứt các hành động thù địch như tập trận quân sự chung, lựa chọn con đường khác, sẽ mở ra những cơ hội cho đối thoại và giải quyết nhiều vấn đề".
Đặc phái viên Mỹ chuyên trách vấn đề đàm phán sáu bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ông Sydney Seiler trong chuyến thăm Trung Quốc và Hàn Quốc mới đây tuyên bố cuộc đối thoại đang bị đóng băng do phía Bình Nhưỡng từ chối tham gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên coi những cáo buộc như vậy là nỗ lực "đánh lừa" cộng đồng quốc tế. Theo đó, việc ngừng đàm phán về hạt nhân Triều Tiên xuất phát từ thái độ thù địch của Mỹ và các hoạt động tập trận quân sự chống Bình Nhưỡng.
Triều Tiên từ trước tới này vẫn cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là cuộc tổng duyệt cho việc chuẩn bị xâm lược nước này.
|
Mỹ vẫn duy trì hơn 28.000 quân tại Hàn Quốc |
Tuy nhiên, Hàn Quốc đã bác bỏ lời kêu gọi của Triều Tiên về việc ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động trên về thực chất chỉ mang tính phòng vệ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kim Min-seok phát biểu tại một cuộc họp báo: “Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ là những hoạt động thường niên và mang tính phòng vệ... Đây là điều phải làm để chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược mà miền Bắc có thể thực hiện đối với miền Nam”.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bác bỏ lời kêu gọi của Triều Tiên và tuyên bố các cuộc tập trận này là minh bạch, thường kỳ và mang tính phòng vệ.
Theo Đình Phong
Đất Việt