1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hai tỷ phú Nga thắng kiện EU

Thanh Thành

(Dân trí) - Hai tỷ phú Nga Mikhail Fridman và Petr Aven đã thắng kiện Liên minh châu Âu (EU), khi tòa án của liên minh này ra phán quyết loại họ khỏi danh sách cá nhân bị trừng phạt do chiến sự Ukraine.

Hai tỷ phú Nga thắng kiện EU - 1

Hai tỷ phú Nga Mikhail Fridman và Petr Aven (Ảnh: Reuters).

Trong phán quyết, Tòa án EU cho biết những lý do Hội đồng châu Âu (EC) đưa ra ban đầu để áp lệnh trừng phạt với hai doanh nhân này là thiếu bằng chứng biện minh và không đủ thuyết phục. 

"EC cũng không đưa ra được bằng chứng mới nào nhằm duy trì lệnh trừng phạt với Fridman và Aven", tòa án phán quyết.

Và thực tế này buộc EU phải loại ông Fridman và Aven khỏi danh sách những người bị áp dụng các biện pháp hạn chế trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023.

Các luật sư đại diện cho biết, cả hai tỷ phú Nga hoan nghênh phán quyết có ý nghĩa quan trọng nhất này. "Tòa đã phán quyết đúng rằng mọi cáo buộc nhằm vào hai ông Fridman và ông Aven đều hoàn toàn vô căn cứ", các luật sư cho hay. 

Phản ứng về phán quyết này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga tin những biện pháp trừng phạt như vậy "vừa bất hợp pháp vừa mang tính phá hoại" và các doanh nhân có cơ hội khiếu nại.

EU áp đặt các đợt trừng phạt liên tiếp đối với công dân và doanh nghiệp Nga trong đó có hai vị tỷ phú này, sau khi Moscow phát động chiến sự ở Ukraine tháng 2/2022.

Tỷ phú Fridman là ông chủ Tập đoàn Alfa và được xếp hạng là một trong những ông trùm giàu có nhất nước Nga. Ngân hàng Alfa của tập đoàn, ngân hàng phi quốc doanh lớn nhất của Nga, đã bị EU trừng phạt vào tháng 3/2022. Ông Fridman đã rời khỏi hội đồng quản trị với nỗ lực giúp ngân hàng này tránh được các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, tỷ phú Aven là người đứng đầu Ngân hàng Alfa cho đến tháng 3/2022 và ông cũng đã rời khỏi hội đồng quản trị sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào ngân hàng này.

Hai tỷ phú này sau đó đệ đơn khiếu nại lên Tòa án sơ thẩm châu Âu có trụ sở tại Luxembourg để phản đối việc bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU. Cả hai lập luận rằng, bằng chứng do EC đưa ra là không đáng tin cậy.

Theo Reuters