1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hai phòng thí nghiệm trong tranh cãi "nảy lửa" của Mỹ - Trung về Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhiều nước nghi ngờ Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại đang đẩy giả thuyết này sang cơ sở nghiên cứu ở Mỹ.

Hai phòng thí nghiệm trong tranh cãi nảy lửa của Mỹ - Trung về Covid-19 - 1

Lính gác bên ngoài căn cứ Fort Detrick tại Mỹ (Ảnh: AFP).

Hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nghe đến phòng thí nghiệm Fort Detrick, nơi cách Washington một giờ lái xe và là nơi khởi điểm của chương trình vũ khí sinh học Mỹ. Tuy nhiên, hàng trăm triệu người Trung Quốc lại biết đến Fort Detrick và mối quan hệ giả định giữa phòng thí nghiệm này với Covid-19, phần lớn nhớ vai trò của các nhà ngoại giao "Chiến binh sói" của Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao này đã nhắc đi nhắc lại hàng chục lần trong các bài viết trên mạng xã hội và các cuộc họp báo rằng phòng thí nghiệm Fort Detrick ở bang Maryland (Mỹ), nơi cách Trung Quốc nửa vòng trái đất, cần được điều tra như nguồn gốc tiềm tàng của virus gây đại dịch Covid-19.

"Bệnh EVALI bí ẩn (chấn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử hoặc sử dụng thuốc lá điện tử) bùng phát ở Wisconsin (Mỹ) vào tháng 7/2019 với các triệu chứng gần giống với triệu chứng của Covid-19. Nơi bùng phát dịch cách Fort Detrick một giờ lái xe", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đăng trên Twitter hôm 22/6.

Bà Hoa Xuân Oánh cùng hai đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, gồm ông Triệu Lập Kiên và ông Uông Văn Bân, đã kêu gọi điều tra Fort Detrick tổng cộng 33 lần trong các cuộc họp báo chính thức. Theo SCMP, 27 lần kêu gọi gần đây nhất được thực hiện từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1.

Sự tập trung của Trung Quốc vào phòng thí nghiệm Fort Detrick nhằm phản bác giả thuyết cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể do virus bị rò rỉ hoặc là tai nạn tại Viện Virus học Vũ Hán - một trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu thế giới về virus corona từ loài dơi, cùng họ với mầm bệnh gây ra Covid-19.

Theo Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị tại Hong Kong, cường độ "phản pháo" của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy các nhà ngoại giao nước này đã trở nên hung hăng như thế nào trong những năm gần đây.

"Trước đây, Trung Quốc bị động hơn, họ chỉ giữ mức độ mập mờ, nhưng không phản ứng theo cách đó, trước những thông tin sai lệch và cáo buộc mà không có bất kỳ bằng chứng nào", ông Cabestan cho biết.

Trung Quốc tìm cách chuyển hướng sự chú ý sang phòng thí nghiệm tại Mỹ

Khi dịch bệnh Covid-19 do virus Sars-CoV-2 gây ra lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019, phần lớn giả thuyết cho rằng virus lây nhiễm từ động vật, giống như virus trước đó thuộc họ corona, Sars, hồi năm 2003.

Tuy nhiên, bây giờ, khi ngày càng nhiều nhà khoa học và chính trị gia kêu gọi một cuộc điều tra độc lập mạnh mẽ hơn về nguồn gốc của Covid-19, bao gồm giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc lại cho rằng phòng thí nghiệm Fort Detrick cũng phải nằm trong cuộc điều tra đó.

Fort Detrick từng là nơi nghiên cứu chương trình vũ khí sinh học của Mỹ, hoạt động từ năm 1943 cho đến khi nó dừng hoạt động vào năm 1969. Cơ sở này hiện là trụ sở của Viện Nghiên cứu Y tế Quân đội Mỹ về các Bệnh truyền nhiễm.

Tháng 8/2019, phòng thí nghiệm BSL-4 của Fort Detrick, một trong những phòng thí nghiệm bảo mật hàng đầu, đã bị Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đóng cửa vì các vi phạm an toàn liên quan đến việc thải bỏ các vật liệu nguy hiểm. Cơ sở này đã được mở cửa trở lại vào tháng 4/2020, nhưng việc phòng thí nghiệm ở Fort Detrick đóng cửa đã trở thành tâm điểm chú ý tại Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã theo dõi xu hướng này trong suốt thời gian đại dịch. Theo phân tích của SCMP, các tờ báo nhà nước hàng đầu Trung Quốc gồm Global Times, People's DailyChina Daily, đã tích cực xuất bản hơn 100 bài báo về Fort Detrick.

"Đây là một kiểu ăn miếng trả miếng mới. Có thể họ tin rằng điều này sẽ làm hài lòng dư luận trong nước, bởi vì đây không phải là giả thuyết đáng tin cậy ở bên ngoài Trung Quốc, nhưng bên trong Trung Quốc, những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ hài lòng với nó", giáo sư chính trị Cabestan nói.

Hai phòng thí nghiệm trong tranh cãi nảy lửa của Mỹ - Trung về Covid-19 - 2

Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập đến Fort Detrick là vào tháng 3/2020, ngay sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố rằng loại virus corona mới có nguồn gốc từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Ông Trump không tái đắc cử, nhưng những lo ngại về phòng thí nghiệm Vũ Hán vẫn chưa biến mất, mặc dù báo cáo vào ngày 30/3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là "vô cùng khó xảy ra".

Một ngày sau khi báo cáo của WHO được công bố, 14 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada đã đưa ra một tuyên bố, nêu rõ lo ngại về việc thiếu quyền truy cập vào dữ liệu ban đầu của phòng thí nghiệm Vũ Hán để phục vụ điều tra.

Người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Trung Quốc đã phản hồi bằng cách đề cập đến Fort Detrick.

"Quân đội Mỹ đã tiến hành những hoạt động gì trong các phòng thí nghiệm này và căn cứ ở Fort Detrick? Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Mỹ thể hiện thái độ có trách nhiệm, nghiêm túc phản hồi mối quan tâm của cộng đồng quốc tế và làm rõ các hoạt động quân sự sinh học của mình ở trong và ngoài nước", ông Triệu tuyên bố.

Milton Leitenberg, nhà sinh hóa học và nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Đại học Maryland, cho biết những nghi ngờ mà Trung Quốc đặt ra về Fort Detrick đã "phớt lờ" sự minh bạch của căn cứ này trong quá khứ.

Chuyên gia Leitenberg cho biết Mỹ đã chấm dứt chương trình vũ khí sinh học tấn công vào năm 1969, sau đó mời các quan chức Liên Xô đến thị sát Fort Detrick. Năm 1991, Washington đồng ý cho phép Liên Xô đến thăm bất kỳ cơ sở nào do Liên Xô chọn ở Mỹ để kiểm tra việc người Mỹ tuân thủ Công ước về vũ khí sinh học năm 1973 nhằm phá hủy vũ khí sinh học tấn công.

Theo Leitenberg, trong thập niên 1990, một số nhà khoa học Trung Quốc đã dành thời gian dài làm việc tại Fort Detrick. Họ đã nghiên cứu vấn đề kiểm soát vũ khí hơn 50 năm và viết một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm cả vũ khí sinh học.

"Ngược lại, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ cho phép bất kỳ chuyên gia, nhà khoa học phương Tây hoặc nhóm quốc tế nào đến thăm bất kỳ cơ sở vũ khí sinh học quân sự được cho là phòng vệ của họ", Leitenberg nói.

Vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã cho cộng đồng tình báo Mỹ 90 ngày để thu thập bằng chứng nhằm cho phép Washington đưa ra "kết luận cuối cùng" về việc liệu đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ việc con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Kết luận đó, theo thời hạn của ông Biden, sẽ được đưa ra vào khoảng ngày 24/8. Tuy nhiên, ngay cả khi kết luận được đưa ra, nó khó có khả năng kết thúc cuộc chiến "ăn miếng trả miếng" về phòng thí nghiệm khi Trung Quốc vẫn tiếp tục câu chuyện về Fort Detrick.

Tuần trước, Global Times, báo nhà nước Trung Quốc, đã đăng một bức thư ngỏ và một bản kiến nghị kêu gọi WHO điều tra Fort Detrick. Theo Global Times, bản kiến nghị cho đến nay đã nhận được hơn 3 triệu chữ ký.