1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Gyantse và những giọt nước mắt

(Dân trí) - Từ đôi mắt Phật trên tháp cổ Kumbum đến dáng ngồi cô độc của thần Tara trong pháo đài Dzong, tôi nhìn thấy một Gyantse, thành phố lớn thứ ba, thủ phủ cũ của Tây Tạng chỉ là một giọt nước mắt lớn lưu đọng lại nhiều dấu tích của sự hoang phế, khắc khoải để rồi một ngày không xa sẽ tan biến trong cái khô khát, khắc nghiệt của hiện tại.

Long lanh quá khứ?

 

Rất nhiều cuốn sách, bài báo đã ngợi ca Kumbum, linh tháp lớn nhất, kiến trúc độc đáo nhất Tây Tạng. Tháp Kumbum nằm trong khuôn viên của tu viện Palkhor, từng là nơi sống và tu luyện của cùng lúc nhiều giáo phái Lạt Ma giáo thời kỳ TK 13-14. Tháp xây trong khoảng năm 1436-1440, 9 tầng, cao 32 mét, với 108 cửa, hướng nhìn bao quát. Trong linh tháp có tới 100.000 bức tranh tường, những bức tượng Phật, các chư vị Bồ Tát nên còn được vinh danh là đền thập vạn Phật.

 

Trong tâm thế của một kẻ quen chộp giật, tôi vội vã leo lên, chui vào 77 khám thờ để hớt hơ hớt hải chụp, chụp và chụp. Chụp mà chẳng nghĩ, không suy, không cần cảm nhận và càng không thể hiểu mình đang đối diện với cái gì. Tôi phải vội vã như thế bởi một lý do: đừng để mọi người cùng đi phải chờ đợi?! Vậy là Đức Thích Ca hay Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền hay các nộ thần, đâu nào từ bi, đâu nào dữ tợn, đâu nào cảm thông, đâu nào phổ độ, tất cả đều như nhau, nhập nhoà. Không biết vì chạy vội, leo cao trong điều kiện khí áp khác thường hay chính thái độ đốn mạn của hậu thế với quá khứ làm cho tôi “rơi “ xuống đất trong trạng thái váng vất? 

 

Gyantse và những giọt nước mắt  - 1
 

Tháp Kumbum

Chính cái lúc dừng chân, định thần ngắm Kumbum trước khi bái biệt tôi rùng mình khi nhận thấy trên tầng sáu của Kumbum, có đôi mắt Phật vẫn thật từ bi, độ lượng dõi theo. Đây là linh tháp đầu tiên và duy nhất tôi nhìn thấy có vẽ đôi mắt ở phần tháp hình trụ tròn, biểu tượng cho yếu tố Nước, Cấu trúc của các bảo tháp Tây Tạng chia thành năm phần, tầng tượng trưng cho yếu tố Đất là vuông, Nước là tròn, Lửa là hình tháp cụt, Khí là hình trăng cong và Thức nhỏ nhất ở trên đỉnh.

 

À, không biết nên Nam mô A Di Đà Phật hay Úm ma ni bát mê hồng nhỉ? Tôi chỉ biết lặng lẽ cúi đầu câm lặng trước những ánh mắt bao dung, mát lành, hoà tan như bản chất vốn có của Nước.

 

Nước mắt của Bồ Tát

 

Rời Kumbum tôi lại vội vã leo lên pháo đài Dzong. Pháo đài Dzong được xây dựng năm 967, đây là một pháo đài hoàn chỉnh nhất Tây Tạng. Từ trên đỉnh pháo đài phóng tầm mắt ra xa tôi chỉ bao quát được một vùng đất xác xơ xám. Nhưng không thể có một Lhasa thủ phủ của Tây Tạng tồn tại và phát triển đầy ấn tượng trong hơn 6 thế kỷ như tôi đã khám phá mấy ngày trước nếu không từng có một cố đô Gyantse hùng mạnh.

 

Thung lũng Gyantse tuy nhỏ hơn Lhasa nhưng cũng vì thế mà những đỉnh núi quanh nó lại có thế dựng đứng của những tường thành cao vút. Một cuộc đất được lựa chọn bởi thần nhãn của các Đạt Lai Lạt Ma cũng là những nhà quân sự tài ba, những người thường xuyên phải chỉ huy quân đội dè chừng các cuộc tấn công từ Bắc phương.

 

Có phải thân xác nhọc mệt đang đưa tôi đi thăm pháo đài? Không. Hình như đó là âm khí của một pháo đài chết, hình như là oan hồn của bao người lính Tạng trong các trận tử chiến với quân đội Anh hồi năm 1904, hình như là thần thức của những Lạt Ma từng chết gục dưới họng súng của hồng vệ binh... đang chỉ đường dẫn lối. 

 

Gyantse và những giọt nước mắt  - 2
 

Pháo đài Dzong

Cả pháo đài mênh mông chẳng lẽ lại chỉ còn là nơi cư ngụ của những ngọn gió hoang, những bức tượng mô tả các kiểu tra tấn tù binh dã man của thời trung cổ, những họng súng thần công gỉ sét và... duy nhất một người đàn bà làm nhiệm vụ soát vé? Và rồi không hiểu cơn cớ gì tôi cũng đứng chân bên một bức tượng hiếm hoi của pháo đài- tượng thần Tara lạnh ngắt không chút nến lửa, không hoa cúng dường, không rì rầm những lời kinh kệ. Biết bao sự linh thiêng đã nguội tắt ngay khi bức tượng trở lại bản chất gỗ trần xì, thành món đồ, một sản phẩm, một công cụ cho kinh doanh du lịch thô thiển cùng dòng chữ viết vội: Tara xanh lục.

 

Theo kinh giáo, Tara là hiện thân của Quan Âm Bồ Tát, đấng chí tôn đoái nhìn xuống những nỗi khổ cực nơi nhân gian, người không chỉ lắng nghe những cầu xin từ cõi người mà còn có quyền năng kỳ lạ sẵn sàng cứu giúp ai cầu xin khi đang gặp nạn. Tara được sinh ra từ những giọt nước mắt của Bồ Tát. Trong tín ngưỡng Tây Tạng Tara được biểu hiện dưới 21 hình thức về màu sắc cũng như tư thế thân thể và thuộc tính. Tôi đang đứng trước Tara xanh lục, màu của biểu hiện hư không. Bàn tay trái của bà thủ ấn giáo hoá mà sao chúng sinh bao đời vẫn tăm tối? Bàn tay phải bà thủ ấn chuyển Pháp mà sao Lạt Ma giáo Tây Tạng ngày càng suy vi? Bà là biểu tượng của hoà bình mà sao lại ngự nơi chiến địa? Bà là biểu tượng của vô cảm mà sao còn ngồi mãi nơi đây để đoái nhìn sự vô cảm nơi con người? Với người Tây Tạng bà còn là biểu tượng của công chúa Trung Hoa Văn Thành, vợ của vua Tùng Tán Cương Bố hùng mạnh và anh minh mà sao người Hán hôm nay có phần nào cư xử chẳng đúng với cõi biên cương xa xôi?

 

Tôi lặng lẽ thoát ra khỏi Tara. Ngay dưới chân pháo đài, một quảng trường mới xây có nhoi lên tí hin một cái tháp nhỏ vậy mà  tôi thấy nó sắc nhọn, lạnh lùng trước một “giọt nước” Dzong đã trở nên quá mong manh!

 

Xuân Bình