Gói viện trợ vũ khí mới từ Mỹ hé lộ chiến thuật phản công của Ukraine?
(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, dựa vào gói vũ khí mà Mỹ dự tính chuyển cho Ukraine, Kiev dường như đang chuẩn bị cho chiến thuật phản công khác biệt so với phương pháp cổ điển.
Washington Post nhận định, khí tài quân sự mà Mỹ đang gửi cho Ukraine dường như sẽ giúp Kiev thực hiện các cuộc tấn công ở tầm gần hơn so với trước đó. Giới quan sát cho rằng, Ukraine và phương Tây có thể đã nhìn thấy cơ hội để Kiev giành lại những vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga bằng những vũ khí này.
Trong vài tuần qua, các quan chức Ukraine đã công khai thảo luận về một phản công nhằm vào thành phố cảng chiến lược Kherson do Nga đang kiểm soát. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, có rất ít bằng chứng cho thấy Ukraine chuẩn bị thực hiện một chiến dịch quy mô lớn trên thực địa đòi hỏi lượng nhân lực lớn, vũ khí, xe bọc thép để đối phó với thế áp đảo về hỏa lực của Nga.
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ dường như là câu trả lời cho tình trạng thiếu hụt vũ khí của Ukraine so với Nga. Theo đó, Kiev dường như sẽ có khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách khác nhau.
Cuối tuần qua, Mỹ thông báo gói viện trợ 800 triệu USD bao gồm 40 phương tiện chống bom được trang bị thiết bị kích nổ mìn, cũng như các loại pháo hạng nhẹ hơn và dễ di chuyển hơn các hệ thống hỏa lực mà Mỹ đã gửi trước đó. Gói viện trợ cũng sẽ bao gồm súng trường có tầm bắn vài trăm mét và bệ phóng tên lửa giới hạn dưới 5km - gần hơn nhiều so với khoảng cách hiện tại giữa các đơn vị Ukraine và Nga ở tiền tuyến.
"Phương tiện phá mìn sẽ giúp Ukraine có được khả năng đẩy lực lượng di chuyển tiến lên trên thực địa và giành lại lãnh thổ", một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết.
Cụ thể phương tiện bọc thép phá mìn mà Mỹ viện trợ là MRAP, có khả năng bảo vệ quân nhân khỏi các vụ nổ và vũ khí hạng nhẹ, trong khi loại bỏ chất nổ trên mặt đất.
Trong vài tháng qua, viện trợ quân sự của Mỹ tập trung vào các hệ thống hỏa lực có tầm tấn công xa, như HIMARS, để giúp Kiev đối phó với chiến thuật "mưa hỏa lực" của Moscow tại miền Đông. Với HIMARS, Ukraine có thể nhằm mục tiêu hiệu quả vào Nga như kho đạn, sở chỉ huy, đường tiếp tế huyết mạch của Moscow. Tuy nhiên, chúng là không đủ để xoay chuyển tình thế trên tiền tuyến.
Theo quan chức Lầu Năm Góc nói trên, sau một thời gian Mỹ viện trợ HIMARS cho Ukraine, Washington nhận thấy Ukraine chưa thể giành lại được lãnh thổ một cách đáng kể. Mỹ nhận ra, quân đội Nga dường như có dấu hiệu suy yếu hơn ở một số vị trí.
Vì vậy, có thể việc sử dụng vũ khí ở tầm gần hơn sẽ giúp Ukraine tìm ra điểm yếu của quân đội Nga để nhằm mục tiêu.
Các tên lửa TOW được gửi tới Ukraine trong gói mới nhất có thể được phóng từ một bệ phóng ba chân hoặc triển khai trên các phương tiện như thiết giáp Humvee. Cách triển khai như vậy sẽ giúp phía Ukraine thực hiện chiến thuật "bắn rồi chạy", tức là tấn công xong rồi nhanh chóng rời khỏi vị trí để tránh bị Nga bắn trả.
Ngoài ra, các xe bọc thép Humvee cũng có thể được sử dụng để vận chuyển các loại pháo cỡ nòng 105mm mới được cung cấp. Điều này dường như một sự đánh đổi trong chiến thuật. Ukraine trong thời gian tới có thể thay vì tập trung sử dụng các loại pháo mạnh mẽ và tầm hoạt động xa như M777, sẽ chọn loại vũ khí dễ vận chuyển và cơ động hơn để thực hiện phản công tầm gần nhưng sức công phá sẽ không mạnh mẽ bằng.
Khó phản công kiểu cổ điển?
Rob Lee, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nhận định gói viện trợ mới nhất của Lầu Năm Góc dường như cho thấy một cuộc phản công kiểu cổ điển dường như khó xảy ra khi Ukraine không có đủ nhân lực và khí tài quân sự đủ lớn để đối phó với sự áp đảo của Nga.
Ông Lee nhận thấy, một số vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Ukraine trong gói này dường như được lấy từ kho khí tài mà họ không còn sử dụng nhiều, mà có ít khí tài từ kho dự trữ chiến lược quan trọng. Mỹ có thể lo ngại năng lực sẵn sàng tác chiến của họ bị ảnh hưởng nếu dồn quá nhiều vũ khí hiện tại, tối tân hàng đầu sang cho Ukraine.
Mặt khác, một số vũ khí trong gói viện trợ mới nhất có thể hữu dụng trong cuộc chiến pháo binh ở chiến trường miền Đông và miền Nam, như máy bay không người lái (UAV) ScanEagle, tên lửa chống radar có thể phá hủy các hệ thống phòng không của Nga.
Tuy nhiên, theo ông Lee, với sự chênh lệch hiện tại về lực lượng giữa Nga và Ukraine, một cuộc phản công kiểu cổ điển huy động quy mô lớn có thể không phải là phương án hợp lý lúc này.
Chuyên gia trên cho rằng, Ukraine gần đây đã đạt được thành tựu khi phóng các hỏa lực nhằm vào mục tiêu quan trọng của Nga ở Kherson và đây có thể là phương án tốt nhất hiện tại.
"Tôi không rõ là họ có đủ lực lượng (để phản công quy mô lớn ở Kherson) hay không. Chiến lược làm tiêu hao (năng lực quân sự của Nga) là khả thi nhất vào lúc này cho Kiev", ông Lee cho biết.
Ngoài ra, giới quan sát cũng có ý kiến trái chiều về chiến lược mà Ukraine đang áp dụng.
Chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin nhận xét, Ukraine dường như đang tỏ ra lạc quan với kịch bản trên vì để có thể giành lại Kherson. Kiev có thể phải cần một trận đánh quy mô lớn hơn là chỉ sử dụng chiến lược tiêu hao làm "bào mòn" năng lực tác chiến của Nga như hiện tại.
"Để thành công, Ukraine sẽ cần ưu thế gấp 3 lần về nhân lực và pháo binh. Vào thời điểm hiện tại, Ukraine chưa có được lợi thế đó. Nếu kế hoạch của Ukraine thực sự chỉ là cố gắng cắt tuyến tiếp tế hậu cần của Nga cho đến khi Moscow rút khỏi Kherson, tôi chắc chắn rằng kế hoạch của Ukraine sẽ khó thành công", ông Shurygin cho hay.