1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Gió" từ phương Tây và "sóng" ở Biển Đông

Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng kể từ thời điểm cuối năm ngoái, với một cục diện mới phức tạp hơn ngay trước thềm diễn ra Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ - Trung.

Trung Quốc là bên bị công kích mạnh, cả về “mặt trận pháp lý” lẫn “hoạt động xây dựng”. Nếu cuối năm 2014 là việc công bố bản đồ “đường 9 đoạn” phi lý thì nay là hành vi cải tạo, bồi đắp trái phép để tạo ra những “đảo nhân tạo”.
 
Nhiều nước lên tiếng chỉ trích các động thái mới nhất này của Trung Quốc trên ba khía cạnh:
 
1/. Xây “đảo nhân tạo” là đi ngược lại Tuyên bố của các bên về cách hành xử trên Biển Đông (DOC);
 
2/. Hoạt động này phá vỡ chất lượng nước cùng với các rạn san hô, tàn phá hệ sinh thái, gây tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản của các nước láng giềng;
 
3/. Trung Quốc chiếm giữ khu vực trung tâm chiến lược ở biển Đông để duy trì thế bá chủ về hàng hải và hàng không và nếu không ngăn chặn kịp thời, Bắc Kinh có thể sẽ có những bước đi nguy hiểm kế tiếp.
 
Gió từ phương Tây và sóng ở Biển Đông
Hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép của Trung Quốc tại bãi đá Ga Ven trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: Asahi)

Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh ASEAN (27/4/2015) đã đề cập đến hoạt động xây dựng, cải tạo của Trung Quốc. Cùng lúc, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi các nước ASEAN thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình chung, tăng cường lòng tin để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tư lệnh Hạm đội 7 (Mỹ) đóng tại Thái Bình Dương Robert Thomas cũng ủng hộ ý tưởng về một lực lượng tuần tra hỗn hợp của ASEAN ở Biển Đông.

Những nước vốn trước đây thường chỉ sắm vai “người quan sát”, “nhà tư vấn cấp cao” cũng đã bắt đầu có những bước đi nhằm thể hiện quan điểm. Mỹ là nước đầu tiên lên tiếng. Tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu “đóng băng” các hành động gây hấn ở biển Đông. Từ đầu năm đến nay, Washington liên tiếp đưa ra những chỉ trích ở tầm cấp cao nhằm vào trung Quốc.

Điển hình là hôm 22/4 vừa qua, Tổng thống Barack Obama cáo buộc Bắc Kinh thích sử dụng “sức manh cơ bắp” hơn là các "cơ chế quốc tế thông thường" trong giải quyết các tranh chấp. Trước đó, ngày 15/4, Hội nghị Ngoại trưởng các nước Nhóm G-7 ra tuyên bố bày tỏ mối quan ngại trước các hoạt động cải tạo đất, đá của Trung Quốc ở Biển Đông, làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng; “kịch liệt phản đối ý đồ tuyên bố chủ quyền bằng việc sử dụng vũ lực, đe nạt”.

Gió từ phương Tây và sóng ở Biển Đông
Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) của Mỹ tham gia tập trận với Quân đội Hoàng gia Malaysia trên Biển Đông hôm 10/5. (Ảnh: AFP)

Mỹ và các đồng minh có lý do để lo ngại về tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đây là vùng biển có các tuyến giao thương hàng hải huyết mạch (SLOC), đảm bảo chuyên chở lượng hàng hóa lên đến 5.000 tỉ USD/năm. Nếu Bắc Kinh kiểm soát những SLOC này, có thể tàu thuyền của nước khác sẽ buộc phải “xin phép” để được qua lại. Không những vậy, quân đội Trung Quốc sẽ đặt các căn cứ hải quân của Mỹ vào thế dồn ép. Việc “đòi chủ quyền” sau khi xây “đảo nhân tạo” khi đó sẽ gây ra những hệ quả xấu về cả quân sự và thương mại đối với Mỹ và nhiều nước.

Đây là lần đầu tiên Mỹ và phương Tây chia sẻ một quan điểm thống nhất về tranh chấp ở Biển Đông. Điều này đã đưa tới một sự thay đổi về tình thế: Trung Quốc từ chỗ chỉ có mâu thuẫn với một số bên tranh chấp tại khu vực, đã phải đối mặt với nhiều “tay chơi” quốc tế khác. Hôm 4/5, Tờ The Diplomat (Nhà Ngoại giao) của Nhật Bản cho đăng tải bài viết, nói rằng Mỹ sẽ “không chấp nhận” đường pitch đối với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, khẳng định Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến dâng cao từ những quốc gia có chia sẻ lợi ích tại khu vực. Không dừng lại ở lời nói, Washington cũng đã hành động để “thử phản ứng” của Bắc Kinh. Ngày 20/5, Mỹ điều máy bay do thám P-8A Poseidon bay tuần tra trên một số “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Tàu hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát loa yêu cầu máy bay Mỹ rời đi. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục có các chuyến bay tuần tra như vậy. Đáp lại, ngày 25/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh đã gửi kháng nghị phản đối “hành vi gây hấn” của Mỹ, hối thúc Washington “sửa chữa lỗi lầm, dừng ngay những lời nói và việc làm vô trách nhiệm”.

Tựu chung lại, hồ sơ Biển Đông sẽ không thể nằm ngoài tổng thể quan hệ Mỹ - Trung. Vấn đề phức tạp nằm ở chỗ, Trung Quốc không muốn Mỹ can thiệp, trong khi Washington thì quyết không đứng ngoài và đó là yếu tố tạo ra căng thẳng. Biển Đông chắc chắn sẽ là điểm trọng tâm được đề cập tại Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ - Trung được tổ chức vào tháng tới tại Washington.

Theo Hoài Thanh/Chinausfocus.../baotintuc.vn