1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giáo viên tiếng Anh của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời

(Dân trí) - Trương Hán Chi, một nhà ngoại giao tài năng, giáo viên tiếng Anh của cố chủ tịch Mao Trạch Đông và là phiên dịch viên cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến thăm lịch sử Trung Quốc năm 1972, đã qua đời ở tuổi 73.

Hãng thông tấn Chinadaily của Trung Quốc đưa tin, bà Trương qua đời ngày 26/1 tại thủ đô Bắc Kinh vì bệnh phổi.

 

Con gái của bà Trương, cô Hoàng Hồng, đã viết trên blog: “Tôi muốn mọi người nhớ nụ cười, tình yêu, trái tim nhân hậu và cuộc đời xuất chúng của bà... Tạm biệt mẹ, chúng con sẽ luôn ở bên mẹ”.

 

Lễ tiễn đưa bà Trương sẽ được tổ chức tại nghĩa trang Babaoshan ở thủ đô Bắc Kinh vào thứ 6 này.

 

Sinh tại Thượng Hải năm 1935, bà Trương là đứa trẻ hoang của một nhân viên bán hàng xinh đẹp và một doanh nhân quyền lực. Năm lên 8 tuổi, bà được một quan chức giáo dục nhận làm con nuôi.

 

Năm 1960, bà Trương trở thành giảng viên tại ngôi trường bà từng được đào tạo, ngày nay là Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh. Cuối năm 1963, bà theo cha tới một bữa tiệc sinh nhật của ông Mao Trạch Đông, người sáng lập nhà nước Trung Quốc. Khi đó, ông Mao đã đề nghị bà Trương làm giáo viên tiếng Anh.

 

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time năm 1999, bà Trương nhớ lại: “Chủ tịch muốn bắt đầu các bài học ngay ngày hôm sau. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi đã dạy một nhà lãnh đạo vĩ đại được hàng tỉ người tôn thờ giống như Chúa”.

 

Năm 1971, bà Trương bắt đầu vào công tác tại Bộ ngoại giao. Bà ly dị chồng năm 1973, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 16 năm với một nhà kinh tế của đại học Bắc Kinh. Họ sinh được con gái Hoàng Hồng. Vài tháng sau đó, bà Trương tái hôn với một bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc, người qua đời năm 1983.

 

Bà Trương từng tham gia các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai với Tổng thống Mỹ Nixon và cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, đặt nền móng cho việc bình thường hoá quan hệ giữa 2 nước vào những năm 1970.

 

Sau đó, bà Trương trở thành đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.

 

Trong những năm gần đây, danh tiếng của bà Trương càng tăng lên sau khi bà cho ra mắt vài cuốn hồi ký bán chạy nhất Trung Quốc.

 

VTH

Theo AP, Chinadaily