1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giao thông xanh - xu thế tất yếu của các đô thị trong tương lai

CTV

(Dân trí) - Trong cuộc trao đổi mới đây, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội Mette Moglestue chia sẻ kinh nghiệm phát triển giao thông đô thị từ Oslo - một trong những thành phố bền vững nhất thế giới.

Giao thông xanh - xu thế tất yếu của các đô thị trong tương lai - 1

Người dân Oslo đi dạo giữa không gian xanh (Ảnh: Visit Norway).

Với gần 50% tổng lượng khí phát thải nhà kính đến từ lĩnh vực giao thông vận tải, thủ đô Oslo của Na Uy đang hướng tới mục tiêu vận hành hệ thống giao thông không phát thải vào năm 2030. Thành phố này hiện đang đi đầu thế giới trong việc chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo và là hình mẫu về phát triển giao thông xanh sạch ở các đô thị thông minh.

Theo xu hướng chung của thế giới, Hà Nội đang nỗ lực "xanh hóa" giao thông đô thị, hướng đến mục tiêu chung là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Những kinh nghiệm thực tiễn của thành phố Bắc Âu này qua chia sẻ của bà Mette Moglestue đã đưa ra những gợi ý giúp Hà Nội có những định hướng chính sách và quy hoạch tốt hơn để thực hiện mục tiêu của mình.

Coi giao thông công cộng là trụ cột

Thủ đô Oslo của Na Uy hiện sở hữu một mạng lưới giao thông công cộng vô cùng tiện lợi và tiên tiến, tích hợp toàn diện các phương tiện bao gồm tàu điện, xe buýt, tàu điện ngầm và cả taxi. Bà Mette cho biết hệ thống giao thông này giúp người dân và du khách đi lại xung quanh thành phố dễ dàng, từ đó giảm đáng kể lượng phát thải từ phương tiện cá nhân.

Giao thông xanh - xu thế tất yếu của các đô thị trong tương lai - 2

Ga tàu điện ngầm ở Oslo Ảnh: Visit Norway).

Tại Hà Nội, ngoài hệ thống xe buýt, gần đây tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, dự án xe đạp công cộng cũng sắp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ngoài các loại hình phương tiện, việc nâng cao tính kết nối của hệ thống cũng là điểm mấu chốt cần cân nhắc để người dân dễ sử dụng giao thông công cộng.

Cơ sở hạ tầng thân thiện

Phần lớn diện tích của thủ đô Oslo là rừng, vì vậy chính quyền thành phố rất chú trọng đến việc duy trì các khoảng không gian xanh trong nội đô cũng như xung quanh thành phố.

"Cùng với những cánh rừng hiện có, các khoảng không gian này sẽ là những bể chứa carbon cho Oslo, chưa kể đây là nơi người dân thường đi dã ngoại và giải trí", bà Mette chia sẻ.

Người dân Oslo có thói quen sống gần gũi với thiên nhiên. Vì thế, thật dễ hiểu khi thấy họ thích đạp xe và đi bộ đến vậy. Phát triển giao thông công cộng không thể làm ảnh hưởng tới thói quen này của người dân thủ đô cũng như không được phép thu hẹp những không gian xanh trong và xung quanh thành phố.

Để khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng xe đạp, Oslo đã xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp, giúp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Giao thông xanh - xu thế tất yếu của các đô thị trong tương lai - 3

Làn đường dành cho xe đạp ở Oslo (Ảnh: Visit Oslo).

Dù gặp không ít khó khăn khi phải giải quyết những xung đột lợi ích đến từ người dân, chính quyền thành phố Oslo vẫn quyết tâm vận hành các làn đường dành riêng cho xe đạp. "Chúng tôi đã phải dỡ bỏ rất nhiều bãi đỗ xe, và điều này rõ ràng ảnh hưởng tới nhiều người dân trong thành phố. Nhiều cuộc thảo luận đã được tổ chức giữa chính quyền và người dân. Phải nói rằng các chính trị gia đã rất kiên trì và dũng cảm theo đuổi chiến lược đề ra", bà Mette nói về những thách thức gặp phải.

Hiện nay, nhờ có sự kết nối trong hạ tầng giao thông, rất nhiều người dân Oslo đã chuyển sang sử dụng xe đạp, thậm chí đổi từ ô tô sang xe đạp điện sau khi các làn đường này được đưa vào sử dụng. "Chúng tôi thấy rằng càng có nhiều làn đường dành cho xe đạp thì càng có nhiều người dân sử dụng chúng", bà Mette nói thêm về hiệu quả của chiến dịch.

Nhiên liệu xanh "vào cuộc"

Theo thống kê, gần 100% lượng điện ở Na Uy được sản xuất từ thủy điện và năng lượng gió. Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và xu thế chuyển đổi năng lượng trong mọi lĩnh vực đời sống, chính quyền Oslo đã đưa ra rất nhiều chính sách mới khuyến khích người dân sử dụng xe điện để chuyển đổi từ nguyên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Một trong những thay đổi chính sách quan trọng góp phần làm thay đổi thói quen của người dân thành phố là ưu đãi thuế. Người dân Oslo sẽ được giảm thuế đáng kể khi mua xe điện. Theo số liệu mới nhất năm 2023, hơn 80% phương tiện mua mới ở Oslo là xe không phát thải và tỷ lệ này tăng theo từng năm. Có thể thấy chính sách thuế đã có những tác dụng rõ rệt đối với Na Uy nói chung và Oslo nói riêng.

Giao thông xanh - xu thế tất yếu của các đô thị trong tương lai - 4

Bãi đỗ và trạm sạc xe điện ở Oslo (Ảnh: Visit Norway).

Ngoài ưu đãi về thuế, người đi xe điện còn được giảm phí đường bộ, miễn phí đậu xe trong thành phố và được sử dụng làn đường dành cho xe buýt.

Tại Hà Nội, xe điện bắt đầu được đưa vào sử dụng trong hệ thống taxi và xe buýt công cộng. Bà Mette bày tỏ sự ủng hộ với động thái mới này của thành phố. "Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tôi tin rằng đó là giải pháp đúng đắn và là xu thế tất yếu của các đô thị thông minh trong tương lai", bà nói.

Khuê Châu