1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giáo sư Mỹ xin lỗi vì kỳ thị tên của sinh viên gốc Việt

(Dân trí) - Giáo sư Matthew Hubbard tại California đã lên tiếng xin lỗi và giải thích việc yêu cầu một sinh viên gốc Việt phải đổi tên vì từ này phát âm giống “lời xúc phạm” trong tiếng Anh.

Giáo sư Mỹ xin lỗi vì kỳ thị tên của sinh viên gốc Việt - 1

Trường Laney nơi Giáo sư Hubbard giảng dạy 15 năm. (Ảnh: Google Maps)

Một bức thư điện tử được trao đổi hôm 17/6 giữa ông Matthew Hubbard, giáo sư khoa toán trường Đại học Laney tại Oakland, bang Califronia, Mỹ và nữ sinh gốc Việt Phúc Bùi Diễm Nguyễn (Phuc Bui Diem Nguyen) đã được chia sẻ hàng chục nghìn lần trên mạng xã hội. Trong thư, giáo sư Hubbard nhiều lần yêu cầu nữ sinh gốc Việt “Anh hóa” tên của cô vì phát âm “nghe giống một lời xúc phạm trong tiếng Anh”.

Đáp lại, Phúc nói với giáo sư Hubbard rằng yêu cầu đổi tên thể hiện “sự phân biệt đối xử” và cô sẽ đệ đơn khiếu nại lên trường nếu ông không gọi cô bằng tên thật.

“Tôi hiểu bạn cảm thấy bị tổn thương, nhưng bạn cần hiểu rằng tên của bạn phát âm như một sự xúc phạm trong ngôn ngữ của tôi. Tôi vẫn nhắc lại yêu cầu của mình”, giáo sư Hubbard trả lời thư của nữ sinh gốc Việt.

Tiến sĩ Tammeil Gilkerson, chủ tịch trường Laney, đã giải quyết vụ việc này trong thông báo phát đi ngày 18/6, gọi đây là một vụ việc “gây xáo trộn”. Mặc dù không đề cập trực tiếp tới tên của giáo sư Hubbard, song bà Gilkerson cho biết một thành viên của khoa toán có liên quan tới vụ việc đã bị đình chỉ công tác để chờ điều tra.

“Chúng tôi không dung thứ cho sự phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử hay cưỡng ép dưới bất kỳ hình thức nào”, lãnh đạo trường Laney cho biết.

Giáo sư Mỹ xin lỗi vì kỳ thị tên của sinh viên gốc Việt - 2

Một phần trong thư điện tử giữa giáo sư Hubbard và sinh viên Việt (Ảnh: Twitter)

Đại học Laney có hơn 16.000 sinh viên, trong đó khoảng 29% là người gốc Á.

Trong cuộc phỏng vấn với KGO-TV hôm 19/6, Phúc, sinh viên năm nhất, cho biết trước đây cô thường dùng biệt danh khác là “May”. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng biệt danh này, cô muốn bắt đầu sử dụng tên thật của mình, vốn có nghĩa là “phúc lành, hạnh phúc”. Phúc nhận được thư của giáo sư Hubbard trong tuần học đầu tiên tại trường.

Phúc nói với KGO-TV trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng, ban đầu cô thậm chí không biết từ “Anglicise” (tạm dịch: “Anh hóa”) được giáo sư Hubbard nhắc đến trong bức thư yêu cầu cô đổi tên.

“Tôi chưa bao giờ nghe thấy từ đó. Khi đó, tôi rất ngạc nhiên, vì thế tôi đã tìm kiếm trên Google nghĩa của từ này. Tôi không biết từ đó nghĩa là gì, nên tôi đã gọi cho người bạn thân nhất để hỏi”, Phúc kể lại.

Giáo sư lên tiếng

Ngày 20/6, giáo sư Hubbard đã đăng lời xin lỗi trên tài khoản Twitter cá nhân, nhưng tài khoản này sau đó bị xóa.

“Tôi xin lỗi vì hành động thiếu tinh tế của tôi đã gây tổn thương và giận dữ cho sinh viên của tôi, và bây giờ là tổn thương và giận dữ cho nhiều người đọc được 2 bức thư không phù hợp của tôi trên mạng”, ông Hubbard viết trên Twitter.

Giáo sư Hubbard cho biết Phúc là một trong số 30 sinh viên lớp lượng giác trực tuyến do ông giảng dạy.

Giáo sư Hubbard, người giảng dạy tại trường Laney 15 năm, cho biết có 2 học sinh cùng mang họ Nguyễn trong lớp của ông. Hubbard giải thích rằng ông gửi thư cho Phúc một phần để tránh nhầm lẫn với sinh viên họ Nguyễn còn lại và phần nữa là ông cảm thấy không thoải mái khi gọi tên Phúc.

Sau khi thấy một sinh viên khác đổi tên khi học trực tuyến, giáo sư Hubbard đã yêu cầu Phúc làm điều tương tự. Hubbard cho biết ông đã yêu cầu toàn bộ sinh viên đổi tên khi học trực tuyến.

“Bức thư đầu tiên là một sai sót. Tôi đã gửi bức thư đó khi nghĩ về một sinh viên khác - người sẵn sàng “Anh hóa” tên của họ. Nhưng việc ai đó đổi tên một cách tự nguyện và việc yêu cầu ai đó đổi tên là hai chuyện khác xa nhau. Bức thư thứ hai thực sự gây mất lòng, và nếu tôi đợi thêm 8 tiếng nữa, có lẽ tôi sẽ viết khác đi”, ông Hubbard cho biết.

Phản ứng gay gắt

Giáo sư Mỹ xin lỗi vì kỳ thị tên của sinh viên gốc Việt - 3

Sinh viên Phuc Bui Diem Nguyen (Ảnh: ABC)

“Tôi sốc và ghê sợ trước những bình luận phân biệt chủng tộc mà chúng ta đang chứng kiến từ một thành viên trong khoa dành cho một sinh viên. Những bình luận như vậy không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục đa dạng và chào đón tất cả mọi người của chúng ta”, Tiến sĩ Jennifer Shanoski, chủ tịch Hội giáo viên Peralta đại diện cho các khoa thành viên của Đại học Laney, cho biết.

John Yang, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành AAJC - một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy nhân quyền và quyền dân sự cho người Mỹ gốc Á, nói rằng ông cảm thấy “bị xúc phạm sâu sắc” bởi hành động của giáo sư Hubbard.

“Tên của một người là giá trị cốt lõi gắn với bản sắc của họ”, ông Yang nói, đồng thời cho biết ông phản đối mạnh mẽ quan điểm cho rằng “nếu bạn không có tên tiếng Anh hoặc có tên nghe giống tiếng Anh, bạn sẽ bị coi là người nước ngoài và bạn phải chứng minh giá trị của mình tại Mỹ”.

Theo ông Yang, trường Laney nên thể hiện rõ quan điểm rằng những hành động tương tự hành động của giáo sư Hubbard là không phù hợp và gây tổn thương. Ông Yang cho rằng mọi người cần hiểu sự tổn thương mà những vụ việc như vậy gây ra.

“Một số người có thể nghĩ đây là vấn đề nhỏ nhặt và sinh viên nên vượt qua. Nhưng sự thật là, các sinh viên và cả những người trưởng thành gốc Á phải trải qua vấn đề này suốt cuộc đời họ”, ông Yang nói.

Giáo sư lịch sử Ellen Wu tại Đại học Bloomington Indiana cũng cho biết vụ việc của giáo sư Hubbard khiến bà cảm thấy “phẫn nộ”. Bà Wu cho rằng vụ việc này là một phần thực trạng lớn hơn đang tồn tại ở Mỹ.

“Vì nhiều người từ châu Á tới Mỹ với tư cách là người nhập cư hoặc người tị nạn, nên nhiều người Mỹ coi họ như những người nước ngoài, vì sự khác biệt quá lớn về văn hóa so với người Mỹ bản địa. Những quan điểm nay đã tồn tại trong văn hóa và suy nghĩ suy nghĩ phổ thông tại Mỹ”, giáo sư Wu nhận định.

Thành Đạt

Theo New York Times