1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giáng sinh buồn, lặng lẽ ở đất Chúa Bethlehem vì chiến sự

Thanh Thành

(Dân trí) - Giáng sinh năm nay tại thành phố Bethlehem ở Bờ Tây, Palestine - nơi Chúa giáng sinh - hầu như vắng lạnh đến đau lòng vì ảnh hưởng chiến sự Israel - Hamas.

Giáng sinh buồn, lặng lẽ ở đất Chúa Bethlehem vì chiến sự - 1

Hình ảnh Chúa Jesus giáng sinh giữa đống đổ nát được trang trí bên trong Nhà thờ Giáng sinh ở thành phố Bethlehem (Ảnh: Washington Post).

Vào dịp Giáng sinh, người dân thường đổ về thành phố Bethlehem ở Bờ Tây, Palestine. Tầng thượng của tòa thị chính thành phố có nhiều đội quay phim từ khắp nơi trên thế giới để ghi lại hình ảnh cây thông Noel cao chót vót ở Quảng trường Manger khi tiếng chuông vang lên trong Thánh lễ lúc nửa đêm tại Nhà thờ Giáng sinh, được xây dựng trên hang động theo truyền thống là nơi Chúa Jesus đã được sinh ra.

Nhưng năm nay thì khác. Bầu không khí ở Bethlehem vào đêm Giáng sinh thật ảm đạm, u ám, buồn bã và mang tính chính trị vì chiến sự Israel - Hamas. Việc đến điểm hành hương nổi tiếng này trở nên khó khăn hơn vì nhiều tuyến đường đã bị lực lượng Israel phong tỏa, một số thị trấn trong khu vực cũng đã bị Israel tấn công dữ dội.

Thành phố Bethlehem đã hủy sự kiện Giáng sinh, không còn cây thông khổng lồ, không có chợ, không có tiệc tùng, không có bài hát mừng, không có ông già Noel phát kẹo cho trẻ em. Và không có người hành hương cũng như khách du lịch. Các con phố đều vắng lặng. Các nhà thờ trên khắp Palestine cũng hạn chế các hoạt động trong những buổi lễ và cầu nguyện.

Thay vì trang trí ngày lễ truyền thống, một nhà thờ ở đây đã tạo ra một khung cảnh trang trí Giáng sinh đơn giản cho dịp lễ năm nay: Chúa Jesus được sinh ra giữa một đống gạch vụn trong tòa nhà đổ nát.

Giáng sinh buồn, lặng lẽ ở đất Chúa Bethlehem vì chiến sự - 2

Người Hồi giáo Palestine đến thăm Nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem hôm 21/12 (Ảnhh: Washington Post).

Linh mục Issa Taljieh ở Bethlehem cho biết, ông chưa bao giờ thấy điều gì như vậy trước đây. "Mọi người đang đau buồn về những gì đang xảy ra ở Gaza. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nhà thờ Giáng sinh vắng lạnh và trống rỗng như thế, ngay cả thời kỳ đại dịch Covid-19", linh mục nói.

Nhiều người dân thành phố đã từng rất hy vọng vào mùa Giáng sinh năm nay giờ đây thực sự thất vọng và đau đớn. Việc vắng khách như hiện tại sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch, từ khách sạn cho đến các cửa hàng bán đồ trang trí tôn giáo.

Theo Bộ Du lịch và Văn hóa Palestine, Bethlehem thường đón tới 1,5 triệu khách du lịch mỗi năm. Bộ trưởng Du lịch Rula Maayah ước tính thiệt hại của ngành này trong năm nay dự kiến lên tới 200 triệu USD.

Thánh địa này là nơi cư trú chủ yếu của người Do Thái và người Hồi giáo. Nhưng 2% dân số Palestine ở Bờ Tây là người theo đạo Cơ đốc, với nhiều người trong số họ tự hào về nguồn gốc. Ngoài ra còn có một số ít người theo đạo Cơ đốc, khoảng 1.000 người, ở Gaza.

Trong thông điệp Giáng sinh hàng năm của mình, Thị trưởng Bethlehem Hanna Hanania đã tuyên bố để tang các nạn nhân xấu số và lên án việc Israel tiến hành cuộc chiến ở Gaza là "thanh lọc sắc tộc" và "diệt chủng".

Người đứng đầu Phòng thương mại Samir Hazboun cũng vậy. "Tôi buồn và khó chịu trước sự thất bại về mặt đạo đức của phương Tây trong việc ngăn chặn việc giết hại thường dân ở Gaza", quan chức này nói.

Giáng sinh buồn, lặng lẽ ở đất Chúa Bethlehem vì chiến sự - 3

Linh mục Munther Isaac ngồi bên hình ảnh Chúa Jesu được sinh ra giữa một đống đất đá đổ nát tại Nhà thờ Giáng sinh (Ảnh: Washington Post).

Các giáo sĩ Thiên chúa giáo ở đây cũng có những tuyên bố tương tự, chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới không bảo vệ được người dân vô tội.

Linh mục Munther Isaac, mục sư của Nhà thờ Giáng sinh Lutheran, đứng bên cạnh cảnh trang trí Chúa Jesus sinh ra trong nhà nguyện của ông. Đó là hình ảnh Chúa Jesus ngồi giữa những ngọn nến lung linh trên một đống xi măng bị vỡ và đá bẩn. "Đây chính là lễ Giáng sinh ở Palestine", linh mục Issac nói. "Đây là thông điệp thực sự".

Ông Rami Asakrieh là linh mục của Nhà thờ Thánh Catherine, nơi sẽ cử hành Thánh lễ nửa đêm. "Họ nói rằng chúng tôi đang hủy bỏ Giáng sinh. Nhưng không, chúng ta chỉ hủy bỏ việc tổ chức các lễ hội Giáng sinh. Chúng ta vẫn sẽ cử hành Thánh lễ", linh mục này nói.

Theo ông, không thể ăn mừng khi có quá nhiều người, ở cả hai phía, đã mất mát, đau thương. "Chúng tôi đã hủy bỏ các lễ hội như một cử chỉ của tình đoàn kết với các nạn nhân của chiến tranh", ông nói.

Theo Washington Post